Nhiều chính sách giảm nghèo không phù hợp thực tế

Ngày 11-5, tại Bến Tre, Bộ LĐTB-XH tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về giảm nghèo trên báo chí.
Nhiều chính sách giảm nghèo không phù hợp thực tế
 Bà Chu Thị Hạnh, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cho biết nhiều chính sách trong công tác giảm nghèo đang không phù hợp với thực tế nhưng đến nay vẫn chưa bỏ được. Chủ trương trong chương trình giảm nghèo bền vững 2016-2020 là hạn chế chính sách cho không, chính sách mang tính bao cấp.
Tuy vậy, đến nay mới chỉ bỏ được một chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho hộ nghèo. Ngược lại, có thêm 59 văn bản, chính sách giảm nghèo được ban hành mới. Nhiều chính sách “không khả quan lắm” trong thực tế như hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ 80.000-100.000 đồng về cây con giống cho người dân…
“Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 40.000 đồng/hộ/tháng để trả tiền điện và nhận hỗ trợ theo quý. Người dân ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, có khi phải đi xe ôm đến nơi nhận hỗ trợ nên chưa về đến nhà thì tiền đã hết do phải chi phí dọc đường”, bà Chu Thị Hạnh nhận xét.  
TS Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động xã hội, cho rằng, trong giảm nghèo, giúp người nghèo “con cá và cần câu” là chưa đủ, mà phải giúp người nghèo có thêm khao khát vươn lên thoát nghèo. Về giảm nghèo từ nay đến năm 2020, theo Bộ LĐTB-XH, cách thức tiếp cận giảm nghèo có sự thay đổi, chuyển từ đo lường nghèo đơn chiều thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều. Chính sách giảm nghèo sẽ chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện, tăng chính sách cho vay để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhà nước hỗ trợ những gì người dân không làm được, Nhà nước không làm thay, mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện. 

Tin cùng chuyên mục