Nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc: Có phải là yếu tố “bất ổn xã hội”?

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ tình trạng nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc sau đại dịch Covid-19, liệu đây có phải yếu tố “bất ổn xã hội” không?

Ngày 10-10, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 14, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 đã khai mạc tại Hà Nội.

Nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc: Có phải là yếu tố “bất ổn xã hội”? ảnh 1 Quang cảnh hội nghị

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, hội nghị có hai nội dung quan trọng là thống nhất ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV; thông qua Chương trình giám sát phản biện xã hội năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trình bày tờ trình cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 5 kiến nghị. Trong đó, có kiến nghị  Đảng, nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, cơ chế tài chính, tự chủ trong y tế, giáo dục… để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiến nghị Đảng, nhà nước tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước….

Nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc: Có phải là yếu tố “bất ổn xã hội”? ảnh 2 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Tờ trình cho ý kiến vào Kế hoạch giám sát năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 6 nội dung: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm quốc gia, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; Giám sát việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai; Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của các bộ, ngành, địa phương; Giám sát việc triển khai các công trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số (theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập; Giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

Kế hoạch phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 3 nội dung: Phản biện xã hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (trình Quốc hội lần 2); Phản biện xã hội dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Phản biện xã hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Cùng với đó các tổ chức chính trị - xã hội cũng tiến hành giám sát, phản biện xã hội theo chức năng và nhiệm vụ của mình.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tìm rõ nguyên nhân tình trạng sau dịch Covid-19 có nhiều vụ việc diễn ra sai phạm, nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có cả cấp Trung ương gây bức xúc, tâm tư cho người dân. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc sau đại dịch, liệu đây có phải yếu tố “bất ổn xã hội” không?

Nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc: Có phải là yếu tố “bất ổn xã hội”? ảnh 3 Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lù Văn Que cho rằng, Đảng đã có các quy định về nêu gương của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực, quy định các điều đảng viên không được làm. “Đảng khẳng định phải dựa vào dân để làm việc này, tuy nhiên thời gian qua, vai trò của người dân chưa được thể hiện rõ. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự tham gia của các cơ quan báo chí (trong phát hiện vi phạm), công an (trong điều tra), tòa án (trong xét xử), vậy vai trò của nhân dân ở đâu, cần làm rõ?”, ông Lù Văn Que trăn trở.

Đại biểu cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cũng cần phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vì chỉ có dân tham gia mới ngăn chặn, đẩy lùi được “giặc nội xâm”.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, báo cáo cần đề cập đến nội dung về tiếp tục quan tâm hơn nữa đến vấn đề an toàn, an ninh trên không gian mạng, không để nhiễu thông tin đến người dân. “Đặc biệt là thông tin xung quanh các vụ việc nghiêm trọng vừa qua trong xử lý vi phạm một số cán bộ nhà nước có hành vi tham nhũng, tiêu cực; hay những bất cập, bức xúc trong ngành y tế, giáo dục..., cần tránh gây dư luận xấu và các thế lực thù địch lợi dụng để bôi nhọ, nói sai sự thật”, ông Nguyễn Túc nói.

Về vấn đề xã hội hóa đối với hai lĩnh vực giáo dục và y tế, ông Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng đây là chủ trương đúng của Đảng và nhà nước, nhưng thực hiện chủ trương này đòi hỏi phải có hướng đi phù hợp, không bị thả lỏng với khẩu hiệu “tự chủ”. Thực tế hiện nay, đội ngũ chuyên gia, tri thức giỏi đa phần là viên chức, trong khi thu nhập và chế độ đãi ngộ của viên chức thiệt thòi hơn so với công chức. Viên chức ngành y tế tại các bệnh viện lớn, đầu ngành thì có thu nhập tốt, nhưng tại các bệnh viện nhỏ hay tại những vùng khó khăn thì ngược lại, dẫn đến tình trạng bỏ việc diễn ra rất nhiều. Cần đánh giá lại vấn đề này…

Tin cùng chuyên mục