Nhiệm vụ “gác cửa” của ngành tổ chức xây dựng Đảng

Xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ tài đức thuộc trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhưng trước hết là của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ. Trong lúc cả nước đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ của ngành tổ chức xây dựng Đảng càng trở nên nặng nề và hết sức quan trọng, đảm bảo gác cửa, ngăn chặn cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất vào bộ máy nhưng sẽ rộng cửa đón người tài, đức.
Lãnh đạo TPHCM chúc mừng 5 tân Thành ủy viên Thành ủy TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo TPHCM chúc mừng 5 tân Thành ủy viên Thành ủy TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

1. Trong lịch sử gần 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ và xem đó là vấn đề trọng yếu liên quan đến sự vững mạnh của Đảng. Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến của dân tộc đang ở vào giai đoạn gay go quyết liệt, giữa núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, trong đó có những lời chỉ dẫn đặc biệt sâu sắc: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Vai trò, trách nhiệm chọn người có tài, có đức là của các cấp ủy, nhưng trước hết là của các cơ quan tham mưu và chuyên môn về công tác cán bộ. Bởi lẽ, công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất với các tổ chức Đảng trong việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng, thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự vì nước vì dân.

Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành tổ chức xây dựng Đảng năm nay (14-10-2019) cũng là dịp các cấp ủy Đảng tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị Trung ương 11 khóa XII đã bàn và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng. Đối với mỗi đại hội Đảng các cấp, ngoài vấn đề xây dựng văn kiện về chính trị, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao thì có một vấn đề hết sức quan trọng đó là khâu tổ chức, nhân sự, con người.

2. Từ đây đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chắc chắn Trung ương sẽ có các hội nghị chuyên đề về vấn đề con người, nhất là lựa chọn đội ngũ cán bộ chiến lược. Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, nhưng người lãnh đạo chủ chốt của các cấp cũng có vị trí vai trò quyết định đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ.

Một người lãnh đạo thường trải qua nhiều quá trình hoạt động, nhiều cương vị khác nhau. Kết quả công tác của họ chính là thước đo quan trọng để đánh giá về người cán bộ ấy. Một cán bộ thật sự vì dân, vì nước chắc chắn không thể “nuốt trôi” vài ly rượu ngoại bằng cả tạ lúa của người nông dân. Một nhà lãnh đạo thật sự tâm huyết, yêu nước, yêu dân sẽ không sống xa hoa, không “cưỡi” chiếc xe trị giá cả ngàn con trâu; sẽ không ở trong những tòa lâu đài, biệt phủ khi xung quanh mình còn nhiều người dân cơ cực, khó khăn. Một nhà lãnh đạo tận tâm, vì nước vì dân chắc chắn sẽ không tổ chức lễ lạt linh đình, không tổ chức tang lễ rình rang, không xây mồ mả quá lớn. Và, cao hơn hết, một nhà lãnh đạo tận tâm, thật sự vì dân vì nước là người luôn thao thức, đau đáu với vận mệnh của đất nước và số phận của dân tộc mình, trước những khó khăn, cơ khổ của đồng bào.

Như vậy, một cán bộ, một lãnh đạo vì dân, vì nước sẽ gần dân hơn, hiểu dân hơn, thấu lòng dân hơn để không ban hành, cho ra đời những chính sách làm cho lòng dân ta thán. Họ sẽ không có “sân trước, sân sau”, không lợi dụng chức vụ để trục lợi, không để người thân lợi dụng uy tín của mình để sống xa hoa, lãng phí. Và chắc chắn, nếu là đồng tiền “mồ hôi xương máu” của bản thân thì những nhà lãnh đạo thật sự vì dân vì nước cũng không thể “dũng cảm” đeo những chiếc đồng hồ, cầm tay những chiếc điện thoại có giá nhiều tỷ đồng…

Thực tế đã chứng minh rất nhiều bài học cay đắng của việc lựa chọn cán bộ cấp chiến lược sai lầm dẫn tới những hệ quả vô cùng tai hại. Việc lựa chọn, bố trí sai người này để lại tác hại không lường đối với xã hội, đặc biệt là làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, vào bộ máy công quyền. Đó là mất mát lớn nhất, khó có gì bù đắp.

3. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng là: “Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất”.

Vậy nên, trách nhiệm của ngành tổ chức xây dựng Đảng càng trở nên nặng nề và hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đó là trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất giải pháp, cơ chế đặc biệt để hạn chế đến mức thấp nhất những kẻ cơ hội, háo danh, chạy chức, chạy quyền hoặc tham vọng quyền lực với động cơ không trong sáng, lọt vào hàng ngũ. Việc giới thiệu vài ba người vào một vị trí tranh cử cần được quan tâm xét đến. Khi đó, tất cả những người này sẽ phải tranh luận công khai, công bố chương trình hành động để người dân giám sát. Đặc biệt, cơ quan tham mưu, đề xuất về công tác cán bộ phải thật sự là một “thánh đường” mà ở đó hoàn toàn loại bỏ việc chạy chức, chạy quyền.

Tin cùng chuyên mục