Nhẹ nhàng đi vào điểm nóng

TPHCM liên tiếp ghi nhận những ca mắc Covid-19, những chuyến xe cấp cứu dù ngày hay đêm vẫn sẵn sàng cùng đội ngũ y tế đưa bệnh nhân đến bệnh viện, khu cách ly kịp thời. Đằng sau lớp khẩu trang, kính chống giọt bắn và bộ đồ bảo hộ dày cộm, kín mít… những “bác tài” trẻ vững vàng: “Ai cũng sợ thì ai sẽ lái xe. Tụi em sẽ có mặt khi mọi người cần”.
Những chuyến xe do Hà Nhi và Minh Trí hỗ trợ cùng đội ngũ y tế đưa người đi điều trị, cách ly
Những chuyến xe do Hà Nhi và Minh Trí hỗ trợ cùng đội ngũ y tế đưa người đi điều trị, cách ly

“Thương quá chừng!”

Xe cấp cứu về nhà kho trên đường 14 (phường Tân Quy, quận 7), mặc dù trước đó đã được phun khử khuẩn, hai cô gái trẻ vẫn cẩn thận khử khuẩn lại một lần nữa và rửa xe. “Kỹ một chút cũng là an toàn cho mình thôi, chuẩn bị để tối nay đưa ca F0 bên quận 1 vô bệnh viện trên Củ Chi”, “bác tài” Nguyễn Thị Hà Nhi (25 tuổi, ngụ quận 1) nói.

Làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ, những ngày dịch, công việc bị ảnh hưởng, Hà Nhi dành trọn thời gian cho việc thiện nguyện và phần việc cô phụ trách chính là lái những chuyến xe chở F0, F1 đến bệnh viện và các khu cách ly y tế tập trung. Có những ngày sau khi xong việc đã quá nửa đêm, xe về đến kho đậu, sau lớp khẩu trang kín mít, mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt hằn những vết đỏ vì đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn quá lâu, nữ tài xế trẻ chợt rơi nước mắt: “Thương quá chừng chị ơi! Tối nay chuyến xe của em có em bé mới 3 tuổi thôi, còn chuyến xe của anh Long có em bé mới hơn 10 tháng”.

Những ngày đầu, xe thường xuyên chở F1, nhưng những ngày gần đây, tình hình dịch phức tạp, ca bệnh nhiều, các chuyến xe chủ yếu chở F0… nhưng Hà Nhi vẫn nhẹ nhàng và hết lòng khi cầm lái: “Trong khả năng bản thân mình làm được, hơn nữa mình cũng còn trẻ, nên dù ban ngày hay nửa đêm, em luôn để sẵn điện thoại, cuộc gọi báo gấp là em tới liền. Mỗi người chung tay hỗ trợ người bệnh kịp thời đến bệnh viện và đội ngũ y tế cũng bớt gánh nặng”. 

Chung đội lái xe với Hà Nhi, Nguyễn Minh Trí (28 tuổi, ngụ quận 8) ban đầu tuy không được gia đình ủng hộ vì lo lắng nguy cơ lây nhiễm, nhưng Trí đã thuyết phục ba mẹ: “Tôi giải thích cặn kẽ, rồi trưng ra nào là đồ bảo hộ, găng tay, kính chống giọt bắn, rồi kể xe được phun khử khuẩn để ba mẹ yên tâm. Lúc này cần tài xế, mình biết lái mà im re thì coi sao được, phải chung tay để cùng Nhà nước mình chống dịch chứ”.

Yêu thương sau mỗi chuyến xe

Lo sợ lây nhiễm, tâm lý e ngại với những ca F0 là điều không tránh khỏi. Nhưng với những người trẻ cầm lái đưa các F0 đến bệnh viện, sự yêu thương và mong muốn được sẻ chia đã át đi nỗi sợ.

Nhận điện thoại, anh Trí lái xe đến đón em bé chỉ mới 8 ngày tuổi cùng bà của em vào bệnh viện, vì ba mẹ em đã được xác định mắc Covid-19. “Em còn quá nhỏ, bà của em phải ẵm ngửa trên tay. Tôi cầm lái mà lòng xót xa, không dám cho xe chạy nhanh, cố gắng tránh ổ gà trên đường để đỡ xóc cho em bé”, anh Trí kể lại.

Nửa đêm, lái chuyến xe đưa 3 em nhỏ đến Bệnh viện Quận 4, sau khi ba của các em được xác định mắc Covid-19. Bé lớn nhất 6 tuổi, bé nhỏ nhất 3 tuổi, đoạn clip từng em một leo lên xe cấp cứu được anh Trí chia sẻ lên mạng xã hội, dù các em đã được mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, nhưng anh Trí vẫn che mặt các em trong clip và thẳng thắn từ chối khi có người bình luận hỏi tên, địa chỉ cụ thể của các em.

“Trang cá nhân của tôi hiện tại có hơn 10.000 lượt theo dõi, tôi muốn chia sẻ lên để mọi người thêm ý thức trong việc phòng chống dịch, vì lỡ không may bị nhiễm sẽ ảnh hưởng trước tiên là bản thân và gia đình. Tôi không muốn dùng hình ảnh, clip để tăng thêm lượt theo dõi và cũng không kêu gọi mọi người phải chia sẻ hay thích clip, chỉ mong mọi người hiểu rõ và áp dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch”, anh Minh Trí bày tỏ.

Có những trường hợp cả gia đình là F0, bà mẹ tay dắt con, tay xách theo túi đồ, hay có những em còn nhỏ quá, phải loay hoay mới leo lên được xe cấp cứu… “Những lúc như vậy, thấy thương đứt ruột, rớt nước mắt luôn mà tôi cũng không thể làm gì được, vì tuân thủ theo sự hướng dẫn của đội ngũ y tế và giữ khoảng cách an toàn cho mình. Tôi đứng từ xa, cố gắng nói vọng lại để hướng dẫn mọi người lên xe”, Hà Nhi kể.

Sau một ngày cầm lái, đưa xe về kho đậu, trở về nhà khi đã quá nửa đêm, Hà Nhi tiếp tục chia sẻ những bài viết hướng dẫn mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. “Thương nhất là các em nhỏ, có em đi vô bệnh viện tay xách theo gấu bông, đồ chơi…, không hiểu tại sao mình phải mặc đồ bảo hộ rồi đi cách ly. Em mong chia sẻ qua mạng xã hội để mọi người nâng cao ý thức chống dịch, có như vậy thì mới ngăn chặn lây nhiễm, không còn cảnh mấy em nhỏ ngơ ngác trên xe cấp cứu nữa”, Hà Nhi xúc động.

Những chuyến xe cấp cứu mà Hà Nhi và anh Nguyễn Minh Trí lái được gọi là “Chuyến xe 0 đồng” thuộc Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm. Anh Trần Thanh Long (Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm) chia sẻ: “Ban đầu những chuyến xe này giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đi cấp cứu, nhưng hiện tại tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng tôi hỗ trợ đội ngũ y tế đưa người đi điều trị, cách ly. Chuyến xe 0 đồng hiện có 6 xe trên cả nước, TPHCM có 3 xe, cũng nhờ vào sự đóng góp của các mạnh thường quân”.

Tin cùng chuyên mục