Nhất thể hóa bí thư chi bộ và trưởng khu phố: Tinh gọn bộ máy cơ sở

Mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu phố đã được một số quận tại TPHCM triển khai thực hiện. Qua ghi nhận, mô hình đã giúp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay từ cơ sở.
Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng khu phố 4, phường 1, quận 3 Nguyễn Thị Chiếm (bên phải) trao đổi với người dân trong khu phố
Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng khu phố 4, phường 1, quận 3 Nguyễn Thị Chiếm (bên phải) trao đổi với người dân trong khu phố

Tạo thống nhất trong các hoạt động

Phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) có 3 khu phố. Từ năm 2018, phường đã thí điểm mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu phố. Theo Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh Nguyễn Võ Uyên Linh, ở góc độ địa phương, khi triển khai nhất thể hóa hai chức danh trên đã mang lại nhiều thuận lợi trong hoạt động của bộ máy dưới phường. Nổi bật nhất là công tác triển khai các chủ trương, chính sách xuống các khu phố được nhanh gọn, thống nhất. 

“Trước đây còn 2 chức danh thì cả hai hệ thống Đảng và chính quyền đều phải tổ chức triển khai, hiện nay chỉ cần một bên triển khai, cách hiểu, cách tiếp nhận của khu phố cũng thống nhất, chính xác và xuyên suốt”, bà Nguyễn Võ Uyên Linh nhận xét. Mặt khác, nhất thể hóa cũng giúp cấp ủy và ban điều hành khu phố thống nhất hơn trong cách thức tổ chức các hoạt động trên địa bàn.

Là khu phố đầu tiên của phường Cầu Ông Lãnh triển khai thí điểm, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 2 Trần Hải Phong cho biết, mô hình trên đã giúp các hoạt động, phần việc của khu phố được giải quyết nhanh chóng, trơn tru hơn. Chẳng hạn, hàng tháng, ban điều hành khu phố tổ chức hội nghị nhân dân. Nếu không thực hiện nhất thể hóa, trưởng khu phố sẽ tiếp nhận các ý kiến góp ý, phản ánh của người dân, tổng hợp và trình cấp ủy khu phố. Cấp ủy khu phố tổ chức họp bàn, cho chủ trương, sau đó trưởng khu phố triển khai thực hiện. Nhưng khi nhất thể hóa, trưởng khu phố đồng thời là bí thư chi bộ sẽ tiếp thu luôn các ý kiến đó, bước tiếp theo là thông qua cấp ủy, ban hành chủ trương và triển khai liền, không mất công họp nhiều lần.

Tương tự, sau hơn 10 năm giữ vai trò Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng khu phố 4 phường 1, quận 3, bà Nguyễn Thị Chiếm cũng khẳng định mô hình trên đã giảm rất nhiều cuộc họp tại khu phố. Mới đây, người dân phản ánh buổi tối ở chung cư không có bóng điện hành lang, vừa không đảm bảo an ninh trật tự, vừa khó khăn trong việc đi lại. Tiếp thu ý kiến người dân, cấp ủy thống nhất chủ trương vận động nhân dân đóng góp trang bị đèn điện thắp sáng tất cả các dãy hành lang của chung cư. Với vai trò là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu phố, bà Chiếm lập tức triển khai đến các tổ dân phố để lấy ý kiến nhân dân. Theo bà Chiếm, như trước đây, quy trình này ít nhất mất vài ngày họp bàn, xin ý kiến. Còn hiện nay chỉ mất vài giờ là triển khai đến người dân. 

Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

Quận 1 hiện có 24/64 khu phố thí điểm mô hình nhất thể hóa. Quận 3 cũng đã triển khai thí điểm ở 37/63 khu phố. Ở góc độ của quận, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga nhận xét, việc thực hiện nhất thể hóa đã giúp cơ cấu bộ máy được tinh gọn, giảm được đối tượng hưởng phụ cấp tại cơ sở, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Mô hình trên cũng giúp nâng hiệu quả hoạt động tại khu dân cư, nắm chắc tình hình tư tưởng, việc chấp hành các quy định trong đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, các vấn đề quan trọng trong khu phố đều được các chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Chia sẻ thêm về những thuận lợi, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận 3 Nguyễn Đình Phát cho biết, mô hình nhất thể hóa đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Nhất là phát huy tốt năng lực của người đứng đầu, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm ở cơ sở. Mặt khác, đặc thù của chi bộ khu phố là đảng viên hầu hết đã nghỉ hưu về sinh hoạt tại địa phương. Do đó, với hai vai trò, cấp ủy và ban điều hành khu phố cũng giúp tăng sự kết nối giữa đảng viên với quần chúng và tạo điều kiện để quần chúng giám sát đảng viên. Dù vậy, đại diện các quận nhận xét, khi đảm nhận hai nhiệm vụ thì khối lượng công việc rất nhiều, nhất là những khu phố có diện tích rộng, dân số đông, nhiều thành phần dân cư sinh sống, trong khi các đồng chí ở khu phố đa phần là lớn tuổi.

Ngoài ra, điều mà các địa phương trăn trở hiện nay là chế độ chính sách cho các trường hợp này chưa tương xứng, chưa tạo được tâm lý an tâm cho cán bộ khu phố. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến địa phương rất khó vận động người có tâm huyết đảm đương các nhiệm vụ ở khu phố. Hơn nữa, dù mô hình nhất thể hóa bước đầu đã cho thấy hiệu quả cao, song đặc thù của TPHCM là phần lớn các khu phố có nhiều chi bộ nên rất khó để thí điểm mô hình trên. 

Từ đó, các địa phương kiến nghị nên hỗ trợ thêm một phần phụ cấp kiêm nhiệm cho những nơi thí điểm mô hình nhất thể hóa; thí điểm cả chức danh bí thư chi bộ đồng thời là tổ trưởng tổ dân phố đối với những khu phố nhiều chi bộ. Đồng thời có cơ chế kiểm soát phù hợp gắn với công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lạm quyền, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tạo niềm tin trong nhân dân.

Trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19 vừa qua, mọi việc đều phải quyết định và triển khai tức thì, nhất là các chủ trương hỗ trợ, chăm lo cho người dân. Mô hình nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu phố đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thống nhất chủ trương và triển khai thực hiện các công việc một cách nhanh chóng, nhất quán, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân.

Tin cùng chuyên mục