Nhật Bản và Mỹ tăng cường hợp tác với ASEAN

Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc đối thoại chiến lược lần thứ nhất về hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khuôn khổ chính sách chung của Tokyo và Washington tại khu vực. 
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tham dự cuộc họp trực tuyến với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hôm 23-5 tại Tokyo
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tham dự cuộc họp trực tuyến với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hôm 23-5 tại Tokyo

Chương trình nghị sự gồm kế hoạch củng cố quan hệ với ASEAN, như đã thống nhất trong cuộc gặp hồi tuần trước giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Định hướng về kinh tế 

 Sự kiện được tổ chức trực tuyến hôm 1-6, có sự tham gia của ông Takehiro Kano, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á và Tây Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, và ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương. Hai bên đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác với ASEAN về đảm bảo an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu trong họp báo sau đàm phán, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hikariko Ono khẳng định, Đông Nam Á có vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bà Hikariko Ono đánh giá cuộc thảo luận với Washington là “vô cùng ý nghĩa”, và nhấn mạnh mối quan hệ ASEAN - Mỹ - Nhật Bản được định hướng bởi các lợi ích kinh tế và an ninh chung.

Cuộc đối thoại nói trên (diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Nhật Bản trong tháng 5) là bước đi tiếp theo nhằm củng cố mối quan hệ 3 bên này.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Washington, ông Biden đã bổ nhiệm một trong những phụ tá thân cận của mình, ông Yahannes Abraham làm đặc phái viên mới của Mỹ tại Ban Thư ký ASEAN sau 6 năm vắng bóng. ASEAN hoan nghênh động thái này. Trung Quốc đã không bỏ lỡ hơn 20 hội nghị cấp cao liên quan đến ASEAN từ khi nước này trở thành đối tác đối thoại với ASEAN vào năm 1992. Các cuộc họp cấp cao thường xuyên đã củng cố quan hệ ASEAN - Trung Quốc và trở thành quan hệ đối thoại năng động nhất của khối. Từ đầu năm 2021, chính quyền ông Biden đã nhận ra rằng để giành được sự ủng hộ và hợp tác từ ASEAN, phải thực dụng và linh hoạt hơn.

Vai trò trung tâm của ASEAN

 Để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ, theo các nhà quan sát, Mỹ nên tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với ASEAN, từ đó sẽ thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. ASEAN cũng đã ưu tiên 4 lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế.

Nhật Bản đã ký một tuyên bố chung để hiệp lực chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Mỹ. Theo ông Kavi Chongkittavorn, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), hợp tác chung trên các khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ, Nhật Bản và ASEAN sẽ tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và giải quyết các thách thức khu vực. Lãnh đạo các nước thuộc nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của họ đối với sự thống nhất và trung tâm của ASEAN cũng như việc triển khai thực tế Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Các bên cũng sẽ ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), và việc duy trì tự do hàng hải và hàng không. Lãnh đạo nhóm Bộ tứ ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc tự do, pháp quyền, các giá trị dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không chấp nhận bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và tự do hàng hải, hàng không. Tất cả vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới.

Tin cùng chuyên mục