Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản dựa trên sự chia sẻ những lợi ích địa chính trị - kinh tế chiến lược - quan hệ hữu nghị tin cậy đã được vun đắp trong suốt 45 năm qua.

Đầu giờ chiều ngày 31-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam diễn ra ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với chủ đề “Hướng tới kỷ nguyên mới trong hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản”, do Bộ KH-ĐT Việt Nam phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Hội nghị có sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các bộ ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp của 2 nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các quan chức 2 bên cũng đã chứng kiến lễ trao 2 Giấy phép đầu tư vào Việt Nam và 14 Biên bản ghi nhớ hợp tác của những cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên của quan 2 nước.

Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam ảnh 1 Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Việt Nam và Nhật Bản tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam ở Tokyo, ngày 31-5-2018. Ảnh TRẦN LƯU  
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch JETRO Hiroyuki Ishige bày tỏ vinh dự trở thành đơn vị cùng đăng cai tổ chức sự kiện kết nối cộng đồng doanh nghiệp 2 nước.
Chủ tịch JETRO tin tưởng sự tham dự và bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ mở ra tương lai tốt đẹp, đưa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.
Điểm lại những thành quả hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong năm qua, nhất là những nỗ lực đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ tịch JETRO Hiroyuki Ishige nhấn mạnh, CPTPP sẽ là đòn bẩy đối với các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto đánh giá Việt Nam là đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; trên nền tảng quan hệ tốt đẹp hiện nay, đã có nhiều dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đang được thực hiện tại Việt Nam.
Ông Yoji Muto cho rằng cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia và Nhật Bản đang chú trọng đóng góp vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Việt Nam đang trở thành đối tác kinh tế vô cùng hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản, sự hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam chính là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp 2 nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các tập đoàn hàng đầu không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
“Chúng tôi đánh giá cao tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam ảnh 2 Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN LƯU
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực mà Nhà nước và nhân dân Nhật Bản đã giành được trong thời gian qua; cảm ơn sâu sắc về sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả mà Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và xóa đói, giảm nghèo.
Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỷ USD cam kết, đã góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói, giảm nghèo…
Các công trình và dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động có hiệu quả trên khắp các vùng miền của Việt Nam, điển hình là Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cảng biển Quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc TPHCM- Trung Lương...
Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam với trên 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD.
Về hợp tác thương mại, quan hệ thương mại song phương luôn tăng trưởng ổn định, lành mạnh, cân bằng với quy mô thương mại 2 chiểu năm 2017 đạt trên 33 tỷ USD.
Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao. Giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ.
Năm 2017 đã có trên 300.000 lượt khách Việt Nam thăm Nhật Bản, có gần 800.000 lượt khách từ Nhật Bản đến thăm Việt Nam…
Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam ảnh 3 Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các quan chức 2 nước chứng kiến BQL Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và UBND TP Hà Nội trao Giấy phép đầu tư cho Tập đoàn NIDEC về dự án "Nidec Motor Việt Nam" có trị giá 200 triệu USD. Ảnh: TRẦN LƯU
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD. Với dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam là thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu; là nền kinh tế mở và đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 322 tỷ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối...
Nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu đang đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Với mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến...
Đây là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản nắm bắt để mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới, sáng tạo cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản dựa trên sự chia sẻ những lợi ích địa chính trị - kinh tế chiến lược - quan hệ hữu nghị tin cậy đã được vun đắp trong suốt 45 năm qua. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 2 nước, luôn coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.

Tin cùng chuyên mục