Nhật Bản đang giữ vai trò lãnh đạo Bộ tứ

Trong bối cảnh cuộc đọ sức chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương tăng lên, xu thế tăng cường và nâng cấp của nhóm Bộ tứ kim cương (còn gọi là Bộ tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận. Với vai trò là một thành viên chủ chốt, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy sự tương tác trong nhóm Bộ tứ.

Sợi dây liên kết 

Cuộc họp trực tuyến giữa 4 nước thành viên diễn ra mới đây tái khẳng định cam kết của Bộ tứ trong chiến lược xoay quanh ý tưởng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Nhật Bản để đối phó với nhiều thách thức trong khu vực, trong đó có sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cuộc họp cũng cho thấy chính sách liên kết trong Bộ tứ vẫn có thể phát triển ngay cả khi Nhật Bản và Mỹ chuyển giao chính phủ.

Năm 2017, ý tưởng về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” lần đầu được Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo lúc đó đề xuất, tạo tiền đề cho Chính phủ của Tổng thống Donald Trump thay đổi chính sách châu Á.

Đến nay, dưới thời của Thủ tướng Suga Yoshihide, ý tưởng trên đã trở thành một trong những trụ cột cơ bản của chiến lược ngoại giao Nhật Bản và công cụ chiến lược chủ yếu để Nhật Bản thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trong nhóm Bộ tứ với trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sợi dây liên kết chính là lợi ích thực tế. 

Tháng 10-2020, Nhật Bản đã chủ trì và thúc đẩy đối thoại chiến lược nhóm Bộ tứ. Nhật Bản cũng ủng hộ việc khai thông hệ thống hợp tác quốc phòng; tích cực chủ trương mở rộng phạm vi hợp tác quốc phòng từ khuôn khổ ba bên Mỹ - Nhật - Ấn, Mỹ - Nhật - Australia thành bốn bên, nhất là tập trận trên biển, để tăng cường vai trò chủ đạo về an ninh hàng hải. 

Nhật Bản đang giữ vai trò lãnh đạo Bộ tứ ảnh 1 Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Australia tập trận phòng thủ trên Biển Đông vào tháng 10-2020

Nhật Bản cũng chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tháng 9-2020, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia công khai đưa ra Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh kinh tế trong thời kỳ đại dịch, qua đó cùng Mỹ tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng sản xuất. Những động thái trên cho thấy Nhật Bản là bên tích cực nhất trong nhóm Bộ tứ khi thúc đẩy chức năng hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ý tưởng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tìm kiếm cơ hội kiểm soát trật tự an ninh khu vực.

Tiến tới các “Bộ tứ mở rộng”

Đánh giá về vai trò của Nhật Bản trong nhóm Bộ tứ, giới quan sát cho rằng, mặc dù Mỹ là nước đóng vai trò chủ đạo thực sự, nhưng do chiến lược của Mỹ dần thu hẹp và sự gia tăng của xu hướng từ bỏ trạng thái đơn cực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do đó vai trò của Nhật Bản ngày càng tăng lên. Nhật Bản đang nỗ lực thay đổi vai trò từ nước điều phối trở thành nước lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phản ánh qua tham vọng ngoại giao ngày càng tăng của nước này. 

So với trước đây, chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới thời ông Donald Trump đã thể hiện rõ tính khó đoán định, các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng thiếu lòng tin vào cam kết và vai trò lãnh đạo của Mỹ. Hơn nữa, sự mơ hồ chiến lược và mất cân bằng lực lượng do sự trỗi dậy của Trung Quốc đòi hỏi Nhật Bản phải đảm nhận trách nhiệm ổn định trật tự nhiều hơn. Điều này cũng mang đến cơ hội để Nhật Bản phát huy vai trò nước lãnh đạo.

Dư luận kỳ vọng  dưới sự thúc đẩy tích cực của Nhật Bản, Bộ tứ sẽ tiếp tục phát triển,  tạo nền móng xây dựng các “Bộ tứ mở rộng”, kết hợp với một số thành viên khác để giải quyết các thách thức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo dự báo của giới chuyên gia, trong tương lai, mức độ hợp tác của Bộ tứ sẽ dựa trên thực tế hành vi của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tiếp tục có các hành vi gây quan ngại, những hợp tác quốc tế thông qua các “Bộ tứ mở rộng” sẽ được tăng cường hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục