Nhập siêu để tăng trưởng

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu từ cuối tháng 4-2021 đến nay bị ảnh hưởng không nhỏ bởi làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa kể từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6-2021 vẫn đạt 288,68 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả năm nay lại không giống các năm trước khi tính từ đầu năm đến hết ngày 15-6, cán cân thương mại hàng hóa của chúng ta thâm hụt tới 1,95 tỷ USD (trong đó riêng nửa đầu tháng 6 thâm hụt 1,35 tỷ USD). Điều này có nghĩa chúng ta đang nhập siêu ở mức khá cao, trong khi cùng kỳ này các năm trước đều xuất siêu với mức lớn.

Thông thường chúng ta sẽ quan ngại khi nền kinh tế nhập siêu, nhưng có thể nói, trong bối cảnh năm 2021, đây lại là sự lạc quan dù tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu. Bởi vì sau thời gian dài thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu bị đóng băng do tác động của đại dịch Covid-19 trên thế giới, chi phí logistics cùng giá nguyên liệu tại nhiều nước tăng cao… thì giá trị nhập khẩu hàng hóa và nhập siêu ở mức cao lại cho thấy dấu hiệu các doanh nghiệp đang tái đầu tư mạnh mẽ sau mỗi làn sóng dịch bệnh, nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất là rất lớn, công nghiệp trong nước đang dần hồi sức.

Cụ thể, qua báo cáo của Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương về nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, máy móc cho sản xuất công nghiệp trong nước trong gần 6 tháng đầu năm cho thấy, nhóm các mặt hàng cần nhập khẩu (được khuyến khích) tăng rất mạnh, có thể kể như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện… với mức tăng 24,8%-51,2% so với cùng kỳ này năm ngoái.

Có thể nói, chính nhờ chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu được kết nối lại nên sản xuất công nghiệp trong nước vẫn trụ vững và có được đà khởi sắc như hiện nay. Theo Bộ Công thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 5 tháng đầu năm nay tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp. Tương tự, ngành dệt may và da giày cũng đang khởi sắc hơn nhiều năm ngoái, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến quý 3-2021 nhờ các dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo, giày dép của người tiêu dùng Mỹ, châu Âu đang tăng mạnh trở lại do kinh tế được phục hồi, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ dần. 

Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian từ nay tới cuối năm khi nhiều nước tiếp tục dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ vaccine. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, máy móc, linh kiện cho sản xuất, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, nông lâm thủy sản có thế mạnh. Các hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường có thuế quan ưu đãi. Nhưng để đón được cơ hội này, chúng ta cần phải đảm bảo được “mục tiêu kép” vừa duy trì sản xuất, vừa tổ chức kiểm soát dịch hiệu quả hơn, khẩn trương tiêm vaccine, nhất là cho lực lượng lao động tại những nơi đang trực tiếp sản xuất, đảm bảo được sự liên tục của chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa xuất khẩu. Hy vọng đến cuối năm nay, chúng ta sẽ lặp lại kỳ tích xuất siêu kỷ lục như năm ngoái.

Tin cùng chuyên mục