Nhập cuộc chỉnh trang đô thị

Đảng bộ nhiều quận huyện của TPHCM xác định những chương trình cụ thể sẽ tập trung thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Một trong những quyết tâm rõ ràng nhất tại nhiều quận huyện là sự nhập cuộc giải quyết những tồn tại liên quan vấn đề ngập nước, ô nhiễm môi trường và tạo sự “lột xác” thật sự trong phát triển đô thị.
Rạch Ụ Cây (quận 8) đã được chỉnh trang, nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực. Ảnh: CAO THĂNG
Rạch Ụ Cây (quận 8) đã được chỉnh trang, nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực. Ảnh: CAO THĂNG

Xác định công trình tạo đòn bẩy

Nhiều năm trước, khi từ Quảng Ngãi vào TPHCM lập nghiệp, gia đình ông Mai Văn Khắc chọn mua một căn nhà ven rạch Xuyên Tâm, đoạn qua phường 15, quận Bình Thạnh. Lúc đó, ông đã nghe người dân bàn về việc khu vực sắp giải tỏa, nhưng đến nay hiện trạng khu vực vẫn chưa thay đổi. Gia đình ông Khắc vẫn đang sinh sống trong một căn nhà xập xệ bên dòng kênh ô nhiễm. “Dự án chậm thực hiện gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, nhất là mùi hôi và rác thải. Nhà xuống cấp nhưng chúng tôi không dám sửa chữa, mà chuyển đi nơi khác thì không có điều kiện”, ông Khắc tâm tư.

Nhận thấy rõ những mong mỏi của hộ ông Mai Văn Khắc cũng là bức xúc của những người dân khác đang sinh sống trên và ven rạch Xuyên Tâm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Bình Thạnh đề ra mục tiêu sẽ cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo chỉnh trang con rạch trong nhiệm kỳ này với bước đi, lộ trình cụ thể.

Trong khi đó, từ thành công của dự án cải tạo, chỉnh trang rạch Ụ Cây trong nhiệm kỳ qua, quận 8 tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch còn lại thuộc địa bàn. Đó là chỉnh trang di dời và tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân sống trên và ven bờ Bắc kênh Đôi (phường 8, 9, 10, 12 và 14); bờ Nam kênh Đôi (phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7); nạo vét cải tạo rạch Nhảy Rạch - Ruột Ngựa; bồi thường, giải phóng mặt bằng rạch Du - Ông Lớn - Ông Nhỏ - kênh Xáng, rạch Bồ Đề, rạch Xóm Củi, rạch Bà Tàng, rạch Nhụy, rạch Bà Cả; bồi thường, giải phóng mặt bằng sông Cần Giuộc… Ước tính, quận 8 có gần 10.000 hộ dân ven và trên kênh rạch vừa nêu sẽ di dời, chiếm hơn một nửa số nhà trên và ven kênh rạch cần di dời của toàn TPHCM.

Giai đoạn 2020-2025, quận Bình Tân cũng bắt tay thực hiện 3 dự án chỉnh trang kênh rạch trên địa bàn. Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh thông tin: 5 năm qua, quận giải quyết được 30% điểm ngập trên địa bàn. Sắp tới, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hoàn thành, kết hợp với dự án cống ngăn triều kết hợp âu thuyền tại cửa rạch Nước Lên thì khoảng 80% điểm ngập ở quận sẽ được giải quyết. Nếu tiếp tục thực hiện dự án chỉnh trang rạch Nhảy - Ruột Ngựa thì vấn đề ngập nước ở quận sẽ được giải quyết căn bản.

Cần sự đồng bộ

Việc xác định đầu việc cụ thể tập trung thực hiện trong 5 năm tới, khẳng định sự nỗ lực của các quận huyện trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn. Song để thực hiện được, đòi hỏi sự tháo gỡ từ cấp TP, cả về vốn lẫn cơ chế, chính sách cũng như sự đồng hành trách nhiệm của các sở ngành. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương nhấn mạnh, việc đưa dự án cải tạo chỉnh trang rạch Xuyên Tâm vào nghị quyết, xác định đây là công trình trọng điểm thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 thể hiện quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền quận trong việc chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân. Hiện quận đã chủ động thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền như khảo sát, tính toán khối lượng bồi thường, giải tỏa (khoảng 3.130 hộ dân, ước kinh phí khoảng 3.400 tỷ đồng). Quận Bình Thạnh cũng dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, để dự án thực hiện được, quận kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt đề án cải tạo chỉnh trang rạch Xuyên Tâm. Trong đó, quận đề xuất bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách và kêu gọi hợp tác công tư.

Tại quận 8, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Phạm Quang Tú nhấn mạnh đến trọng tâm là 2 dự án tại bờ Bắc và bờ Nam kênh Đôi, chạy dọc toàn quận dài hơn 9km, với trên 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Khi bờ Bắc, bờ Nam kênh Đôi được chỉnh trang thì diện mạo đô thị của quận thật sự lột xác, tạo sự khang trang văn minh, giảm hẳn những khu nhà ổ chuột ven kênh rạch. Tuy nhiên, quận đang đối diện với nhiều khó khăn cần tháo gỡ, như việc bồi thường cho hơn 1.000 hộ dân tại bờ Bắc kênh Đôi, khi áp dụng bảng giá đất mới làm thay đổi tổng mức đầu tư, lên hơn 1.650 tỷ đồng. Mặt khác, quận cũng lúng túng khi xác định pháp lý, giá bồi thường vì hầu hết căn nhà trên và ven kênh không có giấy tờ hợp pháp. Tương tự, việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư “khổng lồ” cho dự án cũng không dễ dàng, vì thiếu vốn, tiến độ bàn giao căn hộ tái định cư chưa đảm bảo kế hoạch.

Trong khi việc chỉnh trang ở bờ Nam kênh Đôi ảnh hưởng đến 5.000 hộ dân, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nhưng TPHCM chọn chủ đầu tư. “Việc thực hiện dự án đòi hỏi rất nhiều khâu, nhiều bước phải đồng bộ từ quy định đến thực hiện. Nếu không đồng bộ sẽ rất dễ rơi vào cảnh bước này chưa xong  bước khác đã… quá hạn. Khi đó lại phải làm từ đầu, làm kéo dài thời gian thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Phạm Quang Tú nhấn mạnh.

ª Đồng chí LÊ HÒA BÌNH, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Giải quyết ngập, thân thiện với môi trường

Nhập cuộc chỉnh trang đô thị ảnh 1
Trong việc giảm ngập 5 năm tới, TPHCM nỗ lực giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các nơi đã được giải quyết; tập trung giải quyết ngập cho vùng trung tâm (rộng 106,41km2) và cơ bản giải quyết thoát nước ở các nơi còn lại.

Các công việc cụ thể được tập trung như thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước; xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt khu vực phía Đông. Cùng với đó là tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm; triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn, lưu vực Tham Lương - Bến Cát và cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3).

TPHCM là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Kiểm soát ngập 100% là không thể thực hiện được, kể cả các nước phát triển nhất thế giới. Vì thế, TPHCM tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất. Để phục vụ nhiệm vụ này, TPHCM sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình mô phỏng và dự báo tình hình ngập trên địa bàn phục vụ cho công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp xóa, giảm ngập hiệu quả.

ª Đồng chí LÊ VĂN THINH, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân: Đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường sống

Nhập cuộc chỉnh trang đô thị ảnh 2
Trong phát triển đô thị giai đoạn 2020-2025, bên cạnh thực hiện các chương trình phát triển nhà ở, quản lý trật tự xây dựng, quận đặc biệt quan tâm đến công tác cải thiện môi trường sống của người dân trên địa bàn. Đó là việc tập trung đầu tư chỉnh trang kênh rạch (để giải quyết ngập úng, ô nhiễm, dịch bệnh).

Đặc biệt, quận tập trung phối hợp giải quyết ô nhiễm ở 2 điểm lớn, gồm bãi rác Gò Cát và nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Cụ thể, quận giải quyết dứt điểm việc bồi thường, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa và báo cáo, đề xuất phương án đầu tư, khai thác hiệu quả quỹ đất (gần 44,5ha) sau khi di dời nghĩa trang. Dự án này sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sống cho khoảng 300.000 người dân xung quanh. Ngoài ra, quận phối hợp với các sở ngành để tham mưu, báo cáo UBND TP xử lý hơn 5 triệu tấn rác đang chôn lấp tại bãi rác Gò Cát (phường Bình Hưng Hòa). Việc này không chỉ xử lý triệt để ô nhiễm nơi từng là bãi rác và khu vực lân cận mà còn tạo ra được quỹ đất (khoảng 24ha) làm công viên, cây xanh, kết nối hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục