Nhanh chóng hình thành sàn thương mại điện tử Việt Nam

Tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa tại nhiều địa phương đã và đang gây đứt gãy chuỗi logistics trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Xử lý vấn đề này như thế nào đã trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chưa có thống kê chính thức từ ngành chức năng, nhưng ngoài các sàn giao dịch thương mại lớn tại Việt Nam như Lazada, Sendo…, gần như toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, thậm chí cả các nhà sản xuất lớn đều mở trang điện tử để giao dịch mua bán hàng hóa.

Đặc biệt, trong bối cảnh người dân phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khối lượng giao dịch hàng hóa của các siêu thị, trung tâm thương mại tăng đột biến. Nhu cầu mua sắm online trong thời điểm dịch bệnh này lớn tới mức nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn không thể cung ứng kịp đơn hàng cho người dân. Do đó, nhiều trang bán hàng tự phát đã và đang là kênh giao dịch sôi động trong thời điểm này.

Tuy nhiên, Báo SGGP đã có bài cảnh báo về chất lượng hàng hóa ở các trang bán hàng tự phát này, đó là hàng hóa không biết có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng hay không. Không phải ngẫu nhiên trên một số hội nhóm bán hàng (thu hút tới hàng trăm ngàn người) vẫn liên tục có những thông tin tố giác chủ tài khoản Facebook này kia bán hàng kém chất lượng, lừa đảo nhận tiền chuyển khoản rồi “lặn” mất tăm… 

Mới đây, chia sẻ tại buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 và Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo, lãnh đạo nhiều ngành nông nghiệp các địa phương cho biết, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa khó khăn đang tác động tiêu cực đến người sản xuất; đặc biệt là nông dân, bởi nếu nông sản thì phải thu hoạch theo mùa. Quá mùa thì không những nông dân tốn thêm chi phí nuôi, trồng mà còn làm chất lượng sản phẩm kém đi.

Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông, thủy, hải sản đang vào vụ thu hoạch và người nông dân rất mong muốn bán được hàng hóa. Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp có thể giúp tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, giúp người mua và người bán có cơ hội tìm hiểu để mua/bán hàng tốt hơn là Bộ Công thương xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho nông sản Việt.

Nói cụ thể về điều này, ông Chu Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Logistics Toàn Cầu, đề xuất, sàn thương mại điện tử phải đáp ứng đủ 3 yếu tố mua bán - vận chuyển - thanh toán. Sàn thương mại này do Nhà nước đóng vai trò quản lý, đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch để các doanh nghiệp, nông hộ thực hiện giao dịch mua bán qua sàn. 

Hiện nhiều bộ, ngành đã chủ trì phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử có tính đến yếu tố kết nối toàn cầu nhưng dường như chưa quan tâm nhiều tới giao dịch thương mại điện tử cho thị trường trong nước. Việc này nên điều chỉnh, bởi với hơn 100 triệu dân, đây là thị trường quy mô lớn có sức hấp dẫn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp, hộ nông dân có thể kết nối mua/bán nông sản của mình trên sàn giao dịch, cơ quan chức năng cần làm tốt hơn công tác định hướng thị trường, từ đó có định hướng rõ tiêu chuẩn sản xuất, nuôi trồng. Có như vậy, hàng nông sản mới đủ chuẩn tham gia thị trường trực tuyến. Điển hình như câu chuyện vải thiều, ngay từ khâu trồng trọt, hộ nông dân đã được hướng dẫn chuẩn hóa tiêu chuẩn ViệtGAP hoặc GlobalGAP nên không chỉ bán được với giá tốt ở thị trường trong nước mà khâu xuất khẩu cũng rất tốt. 

 Theo nhiều chuyên gia, chỉ có phát triển tốt ở cả hai thị trường: Trong nước và nước ngoài, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành nông, thủy, hải sản Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục