Nhận trách nhiệm và giải quyết thấu đáo

Trao đổi với phóng viên trước thềm phiên chất vấn - trả lời chất vấn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều bày tỏ hy vọng các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tiếp tục phát huy tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra.
Một dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Một dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB NGUYỄN THỊ LỆ, Chủ tịch HĐND TPHCM: Hạn chế các sai phạm của chủ đầu tư dự án

Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải pháp xử lý vi phạm trong huy động vốn và thế chấp quyền sử dụng đất của chủ đầu tư dự án. Hiện nay, chủ đầu tư dự án nhà ở thường có 2 hình thức chủ yếu để huy động vốn đầu tư xây dựng: từ nguồn vay vốn của các tổ chức tín dụng (bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất); từ nguồn vốn góp của người dân mua nhà ở hình thành trong tương lai. Trên thực tế vẫn diễn ra tình trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Điều này cho thấy quy định về mức phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư, đồng thời chưa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người mua nhà. 

Mặt khác, hiện còn xảy ra tình trạng chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án (bàn giao căn hộ cho người mua sử dụng) thì vẫn chưa giải chấp ngân hàng khoản vay vốn đầu tư xây dựng dự án trước đó, khiến cơ quan thẩm quyền không thể thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà. Tình trạng này đang phổ biến và xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ dự án, dẫn đến khiếu nại khiếu kiện đông người, làm mất an ninh trật tự. Tôi muốn biết bộ trưởng đã có biện pháp gì (bao gồm các biện pháp xử lý hành chính và hình sự) để hạn chế các sai phạm của chủ đầu tư dự án? Tới đây, khi sửa đổi Luật Nhà ở thì Bộ Xây dựng có các đề xuất gì quy định nghiêm ngặt trong kiểm soát và xử lý các sai phạm để chủ đầu tư không thể làm sai hoặc không dám làm sai?

ĐB TẠ VĂN HẠ (Quảng Nam): Theo đuổi vấn đề đến cùng

Tôi đặc biệt quan tâm đến hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, việc công bố công khai các kết luận thanh tra. Kết quả xử lý sau đó như thế nào cũng là vấn đề cần làm rõ. Tôi cho rằng, khi kết thúc chất vấn, không chỉ các vị bộ trưởng, trưởng ngành được hỏi phải có trách nhiệm với lời hứa của mình, mà chính ĐB đưa ra câu hỏi cũng phải thể hiện trách nhiệm thông qua việc giám sát giải quyết vấn đề. Nếu cần thiết thì tái chất vấn ở kỳ họp sau. Như vậy mới là theo đuổi vấn đề đến cùng một cách có trách nhiệm và hoạt động chất vấn khi đó mới đạt hiệu quả cao nhất.

ĐB NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (Hải Dương): Tìm giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc

Tôi sẽ đề nghị Bộ trưởng Bộ TT-TT đưa ra các giải pháp đủ mạnh và thuyết phục, có thể thực hiện được ngay nhằm ngăn chặn thông tin xấu độc. Thứ “thuốc độc tinh thần” đó đã và đang gây ra những hệ lụy không thể đong đếm được. 

Tôi hy vọng các phiên chất vấn sẽ làm bật ra những giải pháp thiết thực, sớm cho thấy chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục