Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã an nghỉ nơi quê hương “Đất thép thành đồng”

Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh là một tấm gương tiêu biểu của những người Việt Nam chân chính, có tinh thần dân tộc và yêu nước. 

5 giờ 30 phút sáng 2-10, tại ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TPHCM), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã trang trọng tổ chức Lễ Truy điệu tiễn đưa Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên cơ sở nội tuyến Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam, Nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM về nơi an nghỉ cuối cùng trên quê hương “Đất thép thành đồng”.

Tham dự lễ truy điệu có: đại diện Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Tô Thị Bích Châu (Trưởng ban Tang lễ), Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, cùng các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM, chính quyền địa phương và hàng trăm người dân địa phương và các tỉnh, thành đến tiễn đưa Nhân sĩ về cõi vĩnh hằng.

Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã an nghỉ nơi quê hương “Đất thép thành đồng” ảnh 1 Các đồng chí lãnh đạo TPHCM nghẹn ngào tiễn đưa Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh về nơi an nghỉ cuối cùng
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Phó ban Tổ chức lễ tang đọc điếu văn nhắc lại quá trình công tác tại Mặt trận và những đóng góp tích cực của Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Nguyễn Thành Trung xúc động chia sẻ, Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh là một tấm gương tiêu biểu của những người Việt Nam chân chính, có tinh thần dân tộc và yêu nước, dù đứng cương vị thế nào, Nhân sĩ vẫn luôn hướng về đất nước và dân tộc.

Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã an nghỉ nơi quê hương “Đất thép thành đồng” ảnh 2 Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, đọc điếu văn tưởng nhớ Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh tại lễ truy điệu

“Quyết định lịch sử của nhà yêu nước Nguyễn Hữu Hạnh tại thời điểm lịch sử ngày 30-4-1975, là những đóng góp quan trọng, thiết thực cho hòa hợp, hòa giải dân tộc, là minh chứng sống động về tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vì mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân”, ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.

Trước phút tiễn đưa Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh về an nghỉ vĩnh hằng, lời điếu của ông Nguyễn Thành Trung như nghẹn lại: “Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh mất đi là một tổn thất lớn lao không gì bù đắp được; gia đình mất đi một người cha, người ông rất đỗi hiền từ, yêu thương con cháu; bằng hữu mất đi một người bạn quý; quê hương Châu Thành, Tiền Giang mất đi một người con hiếu nghĩa; MTTQ Việt Nam mất đi một thành viên tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Trong những ngày qua, đã có gần 140 đoàn đại biểu, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cơ quan, ban ngành đoàn thể của Trung ương và địa phương, các đơn vị thân quen, các nhân sĩ, trí thức, bà con lối xóm, cùng bạn bè thân hữu đã đến viếng, gửi hoa và chia buồn cùng gia đình.

Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã an nghỉ nơi quê hương “Đất thép thành đồng” ảnh 3 Con cháu tiễn biệt Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh 
Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã an nghỉ nơi quê hương “Đất thép thành đồng” ảnh 4 Con cháu tiếc thương...
Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã an nghỉ nơi quê hương “Đất thép thành đồng” ảnh 5 ... và tiễn đưa Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh 
Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã an nghỉ nơi quê hương “Đất thép thành đồng” ảnh 6 Hàng trăm nhân sĩ, bạn hữu và người dân tới tiễn đưa Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh

Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh (sinh năm 1924) sau thời gian lâm bệnh nặng, do tuổi cao, sức yếu đã từ trần vào lúc 6 giờ 40 phút, ngày 29-9-2019, hưởng thọ 95 tuổi.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trước tình thế khẩn trương của thời cuộc, phía cách mạng đã tác động để đưa ông ra nắm quân đội Sài Gòn với mục tiêu nhanh chóng kết thúc chiến tranh, hạn chế tối đa mất mát và đổ vỡ.

Trên cương vị Quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, ông đã có tác động quan trọng để Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh nhanh chóng đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng ngày 30-4-1975. Cũng trên cương vị này, ông đã bác bỏ đề nghị phá cầu Sài Gòn để tử thủ của các tướng lĩnh chế độ Sài Gòn, ban hành Nhật lệnh yêu cầu quân đội của chính quyền Sài Gòn buông vũ khí đầu hàng. Những quyết định lịch sử này đã làm giảm thấp nhất sự đổ máu, hy sinh cho cả hai bên, góp phần cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thêm trọn vẹn.

Sau khi đất nước thống nhất, Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục từ khóa I đến khóa VII và Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM từ khóa I đến khóa IX. Là thành viên khối đại đoàn kết dân tộc liên tục các nhiệm kỳ từ năm 1977 đến năm 2014, Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã không ngừng đóng góp ý kiến quý báu để xây dựng khối đoàn kết dân tộc, làm cho Mặt trận trở thành ngôi nhà chung quy tụ khối đại đoàn kết, góp phần đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục