Nhân rộng chợ an toàn thực phẩm

Trong năm nay, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và xây dựng thêm 5 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP trên khắp cả nước. Đây là mục tiêu mà Bộ Công thương đã đề ra.
Chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của TPHCM
Chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của TPHCM

Chợ sạch là điều cấp thiết 

Thực phẩm muốn an toàn đòi hỏi tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối phải đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, câu chuyện chợ sạch là điều cấp thiết. Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy, cả nước hiện có 8.475 chợ, 1.007 siêu thị, 212 trung tâm thương mại và khoảng hơn 2 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của hộ gia đình.

Ngoài ra, còn hàng ngàn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn. Riêng ở TPHCM, như dữ liệu thống kê của ngành công thương, thành phố có khoảng 240 chợ đang hoạt động, trong đó có 17 chợ loại 1, 53 chợ loại 2, 170 chợ loại 3 và có tới 96% chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm. 

Vụ Thị trường trong nước đánh giá rằng, sự phát triển nhanh của hệ thống phân phối trong nước mặc dù đem đến nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng cũng tồn tại những hạn chế, khó khăn cần được khắc phục để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có vấn đề dinh dưỡng cho sức khỏe cộng đồng. Đơn cử như ở TPHCM, hầu hết các chợ được hình thành lâu đời từ trước 1975, nên cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp. Hay ở khu vực ĐBSCL, mạng lưới chợ dù chằng chịt nhưng hầu hết vẫn là chợ loại 2 và loại 3, nhiều chợ còn chưa đảm bảo các tiêu chí ATTP. 

Để bảo đảm ATTP, Bộ Công thương cũng đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 55 địa phương và 13 mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm ATTP đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt. Đồng thời, xây dựng thêm 5 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP trên cả nước. 

Các địa phương tích cực vào cuộc

Đến nay, sau khi được Bộ Công thương hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chợ ATTP, một số địa phương đã quan tâm bố trí ngân sách để triển khai nhân rộng mô hình. Tiêu biểu như: Thanh Hóa 2 mô hình và hỗ trợ 35 chợ hoàn thành để công bố chợ đạt chuẩn TCVN 11856:2017 - chợ kinh doanh thực phẩm; Ninh Bình 3 mô hình; Hòa Bình 5 mô hình; Tiền Giang 2 mô hình; Bà Rịa - Vũng Tàu 3 mô hình. Riêng TPHCM, năm 2019 cũng đã lựa chọn mỗi quận huyện 1 chợ để nhân rộng mô hình. Theo đó, mỗi địa phương sẽ triển khai một mô hình chợ truyền thống bảo đảm ATTP. Đây là giai đoạn 2 của Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP của thành phố, kéo dài từ năm 2017 đến 2020. Hiện 2 chợ đầu tiên triển khai là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành.

Theo Ban Quản lý ATTP TPHCM, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện thí điểm giai đoạn 1 dự án với 2 chợ nói trên. Đến nay, chợ Bến Thành đã sạch đẹp hơn, tiểu thương ý thức hơn về an toàn và bảo vệ ATTP cho khách. Còn tại chợ Hóc Môn, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc kinh doanh, khẳng định kể từ khi thực hiện theo đề án, công tác đảm bảo ATTP được ban giám đốc chợ rất quan tâm và đặt lên hàng đầu khi tích cực tuyên truyền vận động tất cả thương nhân nắm bắt quy định về ATTP; tăng kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa; xử lý vi phạm về ATTP dưới các hình thức như xử phạt cảnh cáo, buộc hộ kinh doanh nghỉ 3 ngày và nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh. 

Ngoài TPHCM, Thanh Hóa cũng đang rất tích cực trong xây dựng mô hình chợ ATTP khi triển khai trên toàn bộ 635 xã, phường, thị trấn, với nội dung tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đáp ứng các điều kiện về ATTP; các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ. Tỉnh Long An cũng đã phê duyệt Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP đến năm 2025, với tổng kinh phí 113 tỷ đồng. Thông qua việc quy hoạch cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn, Long An hướng tới tạo ra kênh phân phối hàng hóa thuận lợi, giúp hoạt động mua sắm tiêu dùng của người dân dễ dàng, an toàn; đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Có thể thấy, với sự xuyên suốt từ chính sách đến sự vào cuộc của các địa phương đang tạo hiệu ứng tích cực cho công tác xây dựng chợ ATTP trên cả nước. Từ đó, đưa mô hình kinh doanh hiện đại vào chợ truyền thống, giúp thay đổi thói quen của tiểu thương và mang đến những sản phẩm chất lượng hơn phục vụ người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục