Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật 3-12: Xóa rào cản với người khuyết tật

Mặc dù TPHCM đang đưa nghề xoa bóp (massage) vào danh mục nghề đào tạo cho người khuyết tật, tuy nhiên hiện nay lại rất hạn chế cấp phép mở cơ sở massage. Cùng với sự thiếu thống nhất ở câu chuyện trên, nhiều vấn đề khác trong đời sống cũng được người khuyết tật cho rằng còn có sự phân biệt, kỳ thị. 
Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật 3-12: Xóa rào cản với người khuyết tật ảnh 1 Đại diện Sở Y tế TPHCM trực tiếp đến gặp anh Bùi Văn Thanh (bên phải) để lắng nghe góp ý về việc tạo thuận lợi cho người khuyết tật mở cơ sở massage
Dạy nghề, nhưng không cho mở cơ sở làm nghề!
Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết đang phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND TPHCM bổ sung nghề xoa bóp vào danh mục nghề đào tạo để giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Chị Đào Thị Lệ Xuân, người khiếm thị (ngụ quận Bình Thạnh), rất vui trước thông tin này. Chị Xuân đánh giá, nghề massage khá phù hợp với người khiếm thị và thực tế thời gian qua, nhiều người khiếm thị làm nghề này để mưu sinh. Tuy nhiên, hiện nay TP rất hạn chế cho mở cơ sở massage, dù là người khiếm thị.
TPHCM có 49.700 người khuyết tật, trong đó 43.500 người được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; có 11 cơ sở bảo trợ xã hội công lập đang quản lý, chăm sóc gần 4.000 người khuyết tật neo đơn, sống lang thang và 18 cơ sở xã hội ngoài công lập đang chăm sóc 523 người. Từ đầu năm đến nay, gần 400 người khuyết tật được dạy nghề; gần 1.700 người được tư vấn và giới thiệu việc làm. Người khuyết tật được miễn vé ở các tuyến xe buýt có trợ giá; miễn vé tham quan các bảo tàng; Thư viện Khoa học tổng hợp có chữ nổi Braille phục vụ người khiếm thị…
Chị Xuân nêu sự thiếu thống nhất: “Đào tạo nghề mà không cho mở cơ sở, vậy thì họ - người khiếm thị - làm việc ở đâu”. Theo anh Bùi Văn Thanh, người khiếm thị, chủ cơ sở massage day ấn huyệt Nhật Việt Thanh (quận Bình Thạnh), nếu cơ quan chức năng coi nghề massage là ngành nghề “nhạy cảm”, dễ phát sinh tệ nạn xã hội thì phải quản lý chặt, nhưng cần tách biệt với cơ sở massage của người khiếm thị để phòng ngừa được những tệ nạn “nhạy cảm”, đồng thời vẫn tạo điều kiện hỗ trợ về nghề nghiệp đối với người khiếm thị, không triệt đường mưu sinh của họ.  
Dẫn chứng về con đường gian nan để cơ sở massage của mình được hoạt động, anh Thanh cho biết, năm 2006, anh phải đợi 2 tháng làm đề án xoa bóp - một loại “giấy phép con”, giấy phép hành nghề của Sở Y tế TPHCM cấp. Đến tháng 9-2014, đề án hết hạn, anh đến Sở Y tế xin gia hạn thì phải chờ đợi suốt 20 tháng, đi lại hơn 20 lần và mãi đến tháng 8-2016 mới được gia hạn. Anh Thanh tự nhận mình bị tổn hại rất nhiều về tài chính (là người khiếm thị, mỗi lần đi lại đều phải thuê xe ôm) và tâm sức trong quá trình trên. Trước hành trình gập ghềnh như thế, với kinh nghiệm và quan sát thực tế của người làm nghề hơn 11 năm, anh Thanh nhận xét, đa số người khiếm thị đều… bỏ cuộc, và anh là một trong số hiếm người đã đủ kiên nhẫn chờ đợi được ngày có đủ “giấy phép mẹ, giấy phép con” cho cơ sở hoạt động.  
Nhiều rào cản
Nhiều năm qua, TPHCM đã thực hiện chính sách miễn vé đối với người khuyết tật khi sử dụng các tuyến xe buýt có trợ giá để đi lại. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã có nhiều buổi tập huấn quy tắc ứng xử cho nhân viên xe buýt, đặc biệt là ứng xử đối với người khuyết tật; đồng thời cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà chờ, lối đi và phương tiện xe buýt để đảm bảo điều kiện tiếp cận với người khuyết tật. Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn bị phân biệt đối xử khi sử dụng xe buýt. Chị Vũ Thị Thanh Tâm (ngụ phường 13, quận 6) nhận xét, thái độ của nhiều nhân viên xe buýt là… không bình thường với người khuyết tật. Nhiều khi đưa thẻ được đi xe buýt miễn phí, hành khách là người khuyết tật bị coi như… người đi xin. Ở nhiều điểm dừng, xe buýt không dừng hẳn, cứ chạy chầm chậm, khiến người khuyết tật không thể đuổi theo, lên xe được. 
Trong chăm sóc sức khỏe, theo nhiều người khuyết tật, họ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) diện được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh, song vào bệnh viện vẫn phải đóng tiền, ứng tiền. Bà Phan Thị Phúc Duyên (ngụ phường 7, quận 6) cho biết, lần nào vô bệnh viện, bà cũng phải ứng tiền. Bà Đặng Phạm Diễm Hồng (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ, mới đây, khi nhập viện, bà phải đóng khoảng 2 triệu đồng, gọi là tiền đặt cọc, rồi mới được khám bệnh.
“Số tiền đặt cọc như vậy với người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, là số tiền lớn. Nên chăng, không yêu cầu phải đóng khoản tiền này. Còn người nào muốn sử dụng các dịch vụ khác thì bệnh viện hãy yêu cầu họ đóng tiền vào lúc đó”, bà Hồng đề nghị. Bà Phan Thanh Tâm (quận 1) cho rằng người khuyết tật đã được cấp thẻ BHYT rồi, khi đi làm ở các công ty, cơ sở, lại phải mua BHYT bắt buộc nữa. Như vậy là không cần thiết, làm khó người khuyết tật. 
Một vấn đề mà chính các cơ quan chức năng cũng không ngờ là tình trạng ngân hàng không mở thẻ ATM cho người khiếm thị. Chị Đào Thị Lệ Xuân cho hay, trước đây chị làm ở một công ty, khi công ty mở thẻ ATM cho nhân viên ở ngân hàng V., chị cũng làm thủ tục. Khi sắp đến ngày được cấp thẻ, chị Xuân ghé chi nhánh ngân hàng V. thì nhân viên ngân hàng phát hiện ra chị là người khiếm thị. Lập tức sau đó, chị bị xóa tên khỏi danh sách và không được cấp thẻ ATM. Tiếp đó, chị đến 2 chi nhánh của ngân hàng D., nhân viên ngân hàng đều yêu cầu phải có người giám hộ thì chị mới được mở thẻ. Phải nhờ đến sự quen biết, chị Xuân mới có thẻ ATM sử dụng.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát tài chính và mọi chuyện của mình, thậm chí có thể chuyển tiền online. Vậy tại sao không cấp thẻ ATM cho chúng tôi? Tôi mong điều chúng tôi nhận được là chính sách hợp lý đối với người khuyết tật, chứ không phải là sự hỗ trợ, thương hại của người khác”, chị Xuân bày tỏ. 
Trước thực trạng nêu trên, ông Võ Minh Hoàng, Phó phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay, theo quy định, giáo viên dạy nghề phải có chứng chỉ nghề và để đáp ứng điều kiện này, người dạy cần liên hệ Trường Cao đẳng TPHCM để được hỗ trợ. Sở LĐTB-XH cũng sẽ trao đổi với các ngân hàng để nắm lại tình hình mở thẻ ATM cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, sau đó sẽ thông tin lại với người khuyết tật về vấn đề này.
Thời gian tới, Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức ngày hội việc làm ưu tiên cho người khuyết tật; tập huấn kỹ năng sống cho người khuyết tật và tập huấn cho gia đình người khuyết tật về phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Các sở, ngành tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp với người khuyết tật, trong đó có vấn đề phân biệt đối xử với người khuyết tật khi sử dụng xe buýt để đi lại. Đồng thời, Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND TPHCM hoặc Trung ương thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho người khuyết tật.

Cần tăng thời gian dạy nghề đối với người khuyết tật

Thời gian dạy nghề cho người khuyết tật hiện là 3 tháng/khóa. Song, 3 tháng với người bình thường thì tạm ổn, còn với người khuyết tật, thao tác chậm hơn, 3 tháng là không đủ. Tôi đã dạy nghề 3 tháng mỗi khóa nhưng học trò nói muốn học thêm và tôi cũng thấy chính cơ sở tôi có rất nhiều đơn hàng, nếu chỉ học nghề 3 tháng, người học xong chỉ mới biết một số điều cơ bản, chưa làm được việc. Trong khi nếu học 1 năm trở lên, là thợ lành nghề, họ sẽ làm không hết việc, không có chuyện thất nghiệp. Theo tôi, thời gian dạy nghề cho người khuyết tật cần được tăng lên gấp đôi so với quy định hiện nay. Như vậy, người học kịp học được nghề mưu sinh và chúng tôi, người dạy, cũng cảm thấy mình “đưa được người qua sông”.
Tiêu chuẩn với người thầy dạy nghề cho người khuyết tật cũng cần phù hợp. Tôi làm nghề 15 năm, có nhiều bằng khen, giấy khen từ các cuộc thi nghề của TP và quốc gia. Thời gian qua, hội phụ nữ và các quận, huyện mời đi dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, phụ nữ. Tuy nhiên, mới đây lại có yêu cầu người dạy nghề phải tốt nghiệp đại học sư phạm, vì thế tôi không được dạy nghề nữa. Tôi nghĩ, cần xem lại quy định này, bởi đây là dạy nghề chứ đâu phải dạy chữ? 
Bà ĐINH THỊ TUYẾT ĐÀO Chủ cơ sở Đan móc len Phước Đào (quận 7)

Xử lý ngay nhân viên xe buýt phân biệt người khuyết tật

Khi sử dụng xe buýt, nếu gặp trường hợp bị kỳ thị, phân biệt, đề nghị phản ánh ngay với tổng đài 1022 - kênh “nóng” tiếp nhận ý kiến người dân. Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi giải quyết tại chỗ và tôi khẳng định: nhân viên xe buýt sẽ bị xử lý ngay nếu có hành vi phân biệt người khuyết tật. 
Năm qua, Sở GTVT đã cấp 11.600 thẻ đi xe buýt miễn phí cho người khuyết tật, dù ở bất cứ tỉnh, thành nào, song đến TPHCM thì được sử dụng xe buýt có trợ giá miễn phí. Tôi xin xác định lại, các tuyến xe buýt có trợ giá mới được miễn, do TPHCM có chủ trương miễn vé cho người khuyết tật, trẻ em cao dưới 1,3m, người già. Về hệ thống xe buýt, TP có 109 tuyến xe có trợ giá, gồm 2.300 xe. Đã có khoảng 84.000 người (chiếm khoảng 12% lượng hành khách) được miễn giảm giá vé, trong đó có 17.000 người khuyết tật. Trong 2.300 xe, có khoảng 800 xe sàn bán thấp (bước một bước lên xe), 32 xe có thiết bị nâng phục vụ người khuyết tật. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới, dự kiến năm 2018 có 1.000 xe buýt sàn bán thấp và 20% xe có thiết bị nâng. 
Ông NGUYỄN NGỌC GIAO Phó phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM)

Tin cùng chuyên mục