Nhận diện lừa đảo trong GameFi ở Việt Nam

Sau dự án GameFi (viết tắt của Game + Finance) do studio Sky Mavis của người Việt sản xuất có thời điểm vốn hóa lên đến 3 tỷ USD, hàng loạt dự án GameFi đã lần lượt ra đời tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo những người trong ngành, con số dự án làm thật chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn dự án lừa đảo xuất hiện liên tục.
Muốn tham gia vào GameFi dạng move to earn, cần phải bỏ tiền thật mua vật phẩm
Muốn tham gia vào GameFi dạng move to earn, cần phải bỏ tiền thật mua vật phẩm

Lừa đảo lên tới hơn 2.000 tỷ đồng

GameFi là thuật ngữ chỉ các trò chơi được xây dựng trên công nghệ blockchain kết hợp yếu tố tài chính phi tập trung. Khác với game truyền thống, người chơi GameFi phải bỏ tiền ra mua NFT (là một tài sản số hiện diện trên blockchain), sau đó tham gia vào trò chơi để thu thập các token (đơn vị tiền mã hóa trong game) và tiến hành giao dịch nó trên các sàn tài chính phi tập trung để thu tiền.

GameFi được phát triển theo hình thức gọi vốn từ nhà đầu tư để làm game, sau đó phát hành ra thị trường. Các nhà đầu tư hay người chơi sẽ được trả token theo từng giai đoạn của dự án, sau đó được quy đổi ra giá trị tiền thật (bằng đơn vị tiền tệ tại quốc gia người chơi đang sinh sống hoặc theo ví tiền ảo chỉ định), được định giá theo thị trường… Không ít vụ lừa đảo đã xảy ra từ đó. Có thể kể đến các dự án lừa đảo như Zodiac, bị các nhà đầu tư tố cáo đã đánh cắp số tiền hơn 50 tỷ đồng; dự án Crypto Bike chiếm đoạt 30 tỷ đồng; chuỗi dự án Ccar, Cpan, Cguar đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư và người chơi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Đặc điểm chung cho thấy, các dự án GameFi lừa đảo thường giấu đội ngũ làm game, chỉ đưa tên bằng nickname, sau đó vẽ ra hình ảnh các game hoành tráng, thu về tiền nhanh cho nhà đầu tư và người chơi… Các dự này lợi dụng cao trào của GameFi đang lên trong thời gian gần đây, đánh vào tâm lý lòng tham của nhà đầu tư theo xu hướng có thể thu lời nhanh như tiền đầu tư nhân 10, nhân 100 trong thời gian ngắn… 

Điển hình, GameFi move to earn  đang là trào lưu với những nhà phát triển GameFi, được đánh giá sẽ thành xu hướng trong năm 2022 của lĩnh vực blockchain, NFT. Trong mô hình này, người dùng vận động (chủ yếu là đi, chạy bộ) để kiếm các token trong game, sau đó có thể quy đổi các token này thành tiền. Ở thế giới move to earn, Stepon - một dự án theo mô hình move to earn đã bị một số đơn vị tại Việt Nam tố cáo lợi dụng tên tuổi của họ khi chưa được phép. Đơn cử như website stepon.run quảng bá về ứng dụng cùng tên, cho phép người dùng chạy bộ để kiếm đồng token trong game. Ứng dụng được giới thiệu sẽ ghi nhận lượng calorie tiêu thụ và thức ăn nhập vào, nhằm giúp người dùng hoàn thành kế hoạch tập luyện. Dù tự giới thiệu là ứng dụng sức khỏe (fitness app) số 1 năm 2022, song đường dẫn tới hai chợ ứng dụng Apple App Store và Google Play Store của Stepon vẫn để trạng thái “coming soon” (sẽ cập nhật). Trong khi đó, một số đơn vị được ghi tên trên website stepon.vn đã lên tiếng không liên quan đến dự án này.

Cảnh báo rủi ro

Với việc ứng dụng blockchain tạo ra sự minh bạch, nên các nhà đầu tư tìm được những kẻ lừa đảo này thông qua địa chỉ hợp đồng thông minh của dự án. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý nên để đòi lại tiền là rất khó. Một số dự án nhà đầu tư dùng những “biện pháp cứng” thì nhận lại được tiền, song đa số đều chấp nhận mất tiền. Như dự án chuỗi game Ccar, Cpan và Cguar trong vụ lừa đảo lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, dù người bị lừa gửi đơn đi khắp nơi và tìm tới tận nhà chủ dự án, nhưng đến bây giờ vẫn không làm được gì. Bởi các giao dịch là cá nhân và chuyển tiền là tiền mã hóa qua ví MetaMask không có pháp nhân ở Việt Nam, chưa được công nhận ở trong nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc điều hành của Pencil Group, trào lưu move to earn đang lên nên sẽ có nhiều dự án lừa đảo chạy theo, nhà đầu tư nên đánh giá về lịch sử dự án để có quyết định đúng đắn. Các nhà đầu tư và người chơi cần xem xét kỹ lưỡng đội ngũ phát triển, giúp phân định rõ ràng những dự án tiềm năng. 

Còn ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc điều hành của game Axie Infinity cho hay, các dự án lừa đảo không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh hành lang pháp lý, những người làm blockchain ở các lĩnh vực khác nhau cần có các cảnh báo cũng như hướng dẫn cho môi trường GameFi đúng nghĩa.

Các dự án lừa đảo từ GameFi không chỉ làm mất tiền của nhà đầu tư, công sức của người chơi mà ảnh hưởng đến dự án làm thật và còn làm xấu hình ảnh của giới startup blockchain Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Trên một số diễn đàn lớn, một số nhà đầu tư quốc tế chia sẻ là rất e dè đối với các dự án mà đội ngũ có tên theo tiếng Việt. Vì vậy, việc có hành lang pháp lý cho lĩnh vực này là điều cấp thiết, bởi đây là lĩnh vực thu hút được nguồn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư và đang là xu hướng ứng dụng blockchain của không ít startup nghiêm túc hiện nay.

Tin cùng chuyên mục