Nhận biết nhanh những dấu hiệu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất

Ngày 16-1, tại TP Hội An (Quảng Nam), Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”, với sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thông tin, năm 2020, đồng bào miền Trung hứng chịu thiên tai bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, với thời gian kéo dài, cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử. Đặc biệt, nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng tại: Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 (tỉnh Thừa Thiên - Huế); Trà Leng và Trà Vân (huyện Nam Trà My) và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) của tỉnh Quảng Nam..., cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Sạt lở đất và lũ quét gây thiệt hại ước tính trên 30 ngàn tỷ đồng.
Sạt lở đất, lũ quét tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn sau cơn bão số 9 vừa qua

“Hội thảo lần này nhằm tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn phòng chống thiên tai của chính quyền địa phương; thảo luận về các giải pháp phòng chống hiệu quả đã thực hiện; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất giải pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại; giới thiệu những kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như ảnh vệ tinh, công nghệ AI, IOT, WSN…”, ông Dũng nói.

Nhận biết nhanh những dấu hiệu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ảnh 2 Sạt lở đất tại Tây Giang (Quảng Nam)
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2020, tại Quảng Nam, sạt lở khiến 43 người chết, 17 người mất tích, chưa kể thiệt hại về cơ sở vật chất, hoa màu, sản xuất. Ước tính thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng. Ngay sau bão lũ, các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, kịp thời chia sẻ khó khăn với các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, các cấp chính quyền đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống; tuyệt đối không để người dân đói, rét, không có chỗ ở trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Trung - Tây Nguyên phân tích, sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính.

“Trước mắt, địa phương cần rà soát những điểm bố trí dân cư, kiểm tra các tuyến dân cư có nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất hay không. Đối với người dân, cần phải có nhận biết nhanh những nguy cơ xảy ra sạt lở do cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho người dân để khi phát hiện ra những dấu hiệu: nhà nứt, cây cối nghiêng ngửa, hay xuất hiện những dòng thấm ở dưới chân đồi nhà mình hoặc dòng đục chảy ra…, đó cũng là hiện tượng. Về lâu dài, cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất đến tận cấp huyện, cấp xã”, TS đề xuất giải pháp phòng tránh sạt lở đất.

Nhận biết nhanh những dấu hiệu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ảnh 3 Sạt lở bờ biển Cửa Đại
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống thiên tai miền Trung - Tây Nguyên cho biết, năm 2020, cả nước hứng chịu 576 trận thiên tai. Lũ lịch sử đã xảy ra trên nhiều sông tại miền Trung. Đặc biệt, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) có nơi ngập sâu từ 5-9m. Thiên tai đã làm 249 người chết và mất tích, trong đó chủ yếu do sạt lở.

Không chỉ miền núi mà vùng ven biển, ven sông cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là bờ biển Hội An, sạt lở nghiêm trọng xảy ra dọc bờ biển với chiều dài 7km. Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, dự kiến sẽ mất từ 5-10 năm để khắc phục hậu quả.

Theo ông Vỹ, để chủ động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, các cấp cần hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật phòng chống thiên tai, xây dựng chiến lược, bản đồ cảnh báo phù hợp, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, kiểm soát việc đầu tư xây dựng công trình gắn với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tin cùng chuyên mục