Nhân bài phỏng vấn Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan: Những đáp án từ thực tiễn

Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 11-10 có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, với tiêu đề: Nông nghiệp là thước đo sự bền vững của quốc gia. Bài phỏng vấn tuy ngắn nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khéo léo nêu bật những vấn đề rất cơ bản mà thực tiễn nền nông nghiệp nước ta đang đặt ra bức bách.
Gieo sạ lúa bằng máy tại tỉnh Hậu Giang
Gieo sạ lúa bằng máy tại tỉnh Hậu Giang

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại một câu đầy ý nghĩa: “Nhất sĩ, nhì nông… Hết gạo chạy rong nhất nông nhì sĩ”. Thực tế đây là một chân lý mà nhiều người lắm khi quên. Chân lý là ai cũng phải ăn, phải cần thực phẩm và thực phẩm mấy ngàn năm đến giờ vẫn từ nông sản, thủy hải sản. Vậy nhưng như một thói quen, nhiều người lại không mấy bức xúc cho thực tế của nền nông nghiệp. Từ sau Đổi mới 1986 đến nay, đã 35 năm, nông nghiệp là ngành ít thay đổi nhất, so công nghiệp hay dịch vụ. Lý do: thiếu đầu tư các nguồn lực. Về nguồn nhân lực, có đến 90% nông dân chưa được đào tạo. Khoa học công nghệ thì không vào được với nền sản xuất nhỏ, ruộng đất manh mún, làm ăn riêng lẻ, cá thể. Còn văn hóa giải trí nhằm nâng cao dân trí thì… cứ xem hoạt động của các thư viện, tủ sách và các nhà văn hóa thôn xã thì sẽ rõ: đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn quá nghèo nàn! 

Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý nhà nước vẫn xác định: Nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế và xã hội. Bộ trưởng Lê Minh Hoan băn khoăn: nói trụ đỡ đã thỏa đáng chưa? Tôi cũng băn khoăn như thế. Nhớ lại ông cha ta có câu “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ điểm yếu của tổ chức xã hội ta (và cả thế giới) là không phải “hết gạo chạy rong” mà nước ta thừa gạo trong khi dân thiếu đói, bởi vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giao thông vận tải bị phong tỏa. Nhân dân không yên tâm, an sinh xã hội không ổn. Dân không ổn tức là nền tảng xã hội không ổn định những khi có biến cố nghiêm trọng như thiên tai hay địch họa. Vậy cần phải thừa nhận vai trò và sứ mệnh của nông nghiệp là nền tảng kinh tế - xã hội.  

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi còn lãnh đạo tỉnh đã nghe các bộ chất vấn “sao còn nông nghiệp nhiều quá!”. Chắc đó là các ý kiến đề cập cơ cấu kinh tế trong mối quan hệ 3 khu vực I, II, III (Nông nghiệp, Công nghiệp, Dịch vụ) một cách duy ý chí. Vấn đề nông nghiệp ĐBSCL là năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp (trong khi nông dân rất giỏi sản xuất đặc biệt là lúa gạo, một nông dân có khả năng canh tác từ 3-10ha, thậm chí 20ha lúa nếu có trang bị kỹ thuật tốt, ứng dụng công nghệ tiên tiến) và quan trọng nhất là thiếu đất canh tác (bình quân mỗi người khoảng 0,5ha), hay đúng hơn là chưa có hợp tác để tập trung tích tụ ruộng đất. Đến mùa thu hoạch nông dân chỉ bán nguyên liệu thô, còn chuỗi giá trị sau thu hoạch thì để thị trường khai thác thu lãi tối đa, nhất là nước ngoài. 

Đại dịch Covid-19 cũng làm nổi bật tình trạng lực lượng sản xuất phân bổ tự phát, thiếu chủ động của Nhà nước. Trong bài phỏng vấn, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng có câu hỏi rất hay mà cũng rất khó: “Có nên giữ chân người nông dân ở lại nông thôn không?”.

Theo quy luật kinh tế, những vùng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn và có thu nhập cao hơn, ổn định hơn thì người lao động sẽ đến nơi đó làm việc. Mặt khác, khi năng suất lao động tăng lên thì số lượng lao động cần thiết trực tiếp làm nông nghiệp phải giảm xuống. Số lượng lao động dôi ra từ nông nghiệp là nguồn bổ sung tự nhiên cho các lĩnh vực hoạt động xã hội, đầu tiên là cho công nghiệp và thương mại dịch vụ. Các nước phát triển đều thiếu lao động. Nước ta cũng sẽ thiếu lao động. Cho nên nguồn lực lao động là “lực lượng sản xuất bậc nhất”, rất quý, sẽ không còn lang thang đi tìm việc tận nước ngoài như bây giờ. Trong tình hình hiện nay chỉ có thể giải quyết cơ bản vấn đề ổn định dân cư và lao động bằng cách phân bổ lại lực lượng sản xuất trên toàn vùng: tạo việc làm cho lao động đến nơi có kinh tế phát triển, công nghiệp phát triển, kéo theo dịch vụ phát triển. 

Ở Nam bộ, trước tiên Nhà nước cần đầu tư phát triển liên kết hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải liên vùng, mà trọng tâm là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, hiện đại (150-200km/giờ; khổ 1,435m) từ TPHCM về ĐBSCL và tiếp theo là đi miền Trung. Khi lưu thông hàng hóa thông suốt, cước phí thấp, vận tải ngày đêm liên tục đến cảng biển hoặc nơi tiêu thụ trong cả nước nhanh chóng và hành khách đi lại an toàn, đúng giờ, thuận tiện, thì các doanh nghiệp không chỉ tập trung ở TPHCM mà sẽ đến các vùng khác, vào các khu công nghiệp dọc tuyến đường sắt (theo mô hình đường sắt hiện đại - TOD) để gần vùng nguyên liệu và vận tải hàng hóa dễ dàng mà hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động sẽ ở lại quê mình và vào các cơ sở sản xuất gần chỗ ở, ít tốn kém.

Như vậy, việc bố trí lại lực lượng sản xuất xã hội vừa có tác động của Nhà nước vừa theo quy luật thị trường sẽ đem lại giải pháp khả thi và chủ động.

Vai trò lịch sử của hộ nông dân bung ra từ sau Đổi mới (1986) là vô cùng to lớn, nhưng đến nay tình trạng hộ gia đình sản xuất nhỏ, manh mún không còn phù hợp. Ta chủ trương “công nghiệp hóa nông nghiệp” nhưng không mạnh dạn “xã hội hóa ruộng đất” - tư liệu chủ yếu của sản xuất nông nghiệp - là không thỏa đáng, không nắm khâu then chốt, không đúng quy luật, nên rất khó “công nghiệp hóa” được. Vấn đề là hình thức xã hội hóa nào phù hợp.

Tin cùng chuyên mục