Nhạc sĩ quân hàm xanh

Bẵng đi hai năm không gặp Trung úy biên phòng Lê Đức Trí, phải qua nhiều cuộc điện thoại mới biết anh đóng chốt trên biên giới Cha Lo (Minh Hóa, Quảng Bình).
Trung úy Lê Đức Trí với những sáng tác từ biên cương
Trung úy Lê Đức Trí với những sáng tác từ biên cương

Hai năm qua, nhạc sĩ, Trung úy Lê Đức Trí được điều động tăng cường lên chốt kiểm soát Covid-19 số 2 thuộc Đồn Biên phòng quốc tế Cha Lo.

Giữa mùa giá rét, Trung úy Lê Đức Trí tâm sự: “Ba tôi là người Thừa Thiên - Huế tập kết ra Bắc, lấy mẹ là người Hà Tĩnh. Tôi được nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc từ bé. Những câu chuyện về người lính của ba, những lời ru dân ca xứ Nghệ của mẹ đã thấm sâu từ thuở bé và âm nhạc bắt đầu từ đó. Cho đến năm bước vào quân ngũ, được lên rừng, xuống biển, được chứng kiến nhiều câu chuyện đẹp về người lính, về tình quân dân, bên trong tôi có những cảm xúc dạt dào. Sau mỗi chuyến về biên giới, suốt 25 năm qua, tôi đã sáng tác hàng trăm tác phẩm đề tài về Tổ quốc, về người lính như ghi lại những kỷ niệm của đời lính biên phòng”.

Tác phẩm ấn tượng nhất ra đời trong khi anh đứng chốt, nhìn về miền xuôi, thấy người lính khắp nơi vì nhân dân quên mình, đi vào vùng dịch lớn của miền Nam giúp dân. Anh ôm cây đàn và cuốn sổ tay chép vội từng ca từ theo nguồn cảm xúc. Một tuần sau, anh hát cho đồng đội đứng chốt bản nhạc Tổ quốc mãi trong tim.

Lời bài ca cất lên kiêu hãnh như cha ông đã từng đi vào trận chiến: “Những chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân/ Mang trong mình một tình yêu đất nước/ Bỏ lại sau lưng, mẹ già, con thơ và những ước mơ tràn đầy sức trẻ/ Tất cả vì miền Nam, chiến thắng đại dịch/ Kẻ thù vô hình, không tiếng súng rền vang/ Từ thuở ngàn xưa, ta tự hào hai tiếng Việt Nam/ Viết tiếp bản hùng ca về người lính giữa thời bình/ Màu áo trắng, áo xanh căng mình nơi tuyến đầu, sẽ trở về trong ngày vui toàn thắng, cờ đỏ tung bay, Tổ quốc mãi trong tim”.

Không chỉ viết về người lính, đất nước, trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ quân hàm xanh Lê Đức Trí cũng khắc họa tài tình về tình mẹ. Đấy là bài Dòng sông tình mẹ đoạt giải A tại Liên hoan âm nhạc Bắc miền Trung năm 2015. Bài hát viết về lòng mẹ bao la đợi chờ con sau những cuộc chiến tranh: “Có một dòng sông chảy mãi trong tôi/ Là lòng mẹ có bao giờ vơi cạn/ Nước ngọt ngào qua mùa hè nắng hạn/ Dạt dào trôi bồi đắp những phù sa... Chiến tranh đã qua, các anh ở đâu, sao không về với mẹ/ Để mẹ ôm ấp vỗ về như hồi còn bé, đứa con nào cũng dứt ruột sinh ra...”.

Người lính quân hàm xanh Lê Đức Trí còn tham gia các chuyến đánh án ma túy để có tư liệu cho sáng tác. Anh kể: “Đồng đội thường gọi tôi là nhạc sĩ - phóng viên chiến trường, bởi rất nhiều chuyên án lớn về ma túy được tôi viết bài, làm phim, lột tả được sự vất vả, nếm mật nằm gai hàng tháng trời giữa rừng sâu của người lính biên phòng. Khi phá án, bắt được những tên trùm ma túy cùng hàng trăm ngàn viên ma túy thì cảm giác bình an mới hiện ra trên tất cả khuôn mặt của đồng đội. Góp phần hạn chế cái chết trắng về miền xuôi mới thấy niềm vui bao giờ cũng được chắt chiu từ những giọt mồ hôi, sự sẻ chia của đồng chí, đồng đội, sự sát cánh cùng đồng bào trên biên giới, sự cảm thông của hậu phương gia đình”.

Tin cùng chuyên mục