Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Dư âm còn mãi

17 giờ ngày 26-12, tác giả của Dư âm, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đã qua đời tại tư gia, hưởng thọ 95 tuổi, để lại sự tiếc thương trong lòng đồng nghiệp và người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ (NS) Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5-3-1925, tại Vinh, tỉnh Nghệ An. Quê gốc của ông ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc. Cha của ông là “trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào”. Sau đó, ông vào làm thợ máy Nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An. Thuở bé, NS Nguyễn Văn Tý học ở Trường Quốc học Vinh. Từ năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở Vinh kiếm sống.

Năm 1945, NS Nguyễn Văn Tý tham gia Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng ông xem tác phẩm đầu tay của mình là bài Ai xây chiến lũy (1949). Năm 1948, NS Nguyễn Văn Tý ở Đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn Cục. Từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản Dư âm nổi tiếng được ông sáng tác khoảng năm 1950, sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1951, NS Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông quen bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và sau đó hai người kết hôn. Thời gian này, ông sáng tác Vượt trùng dương (1952), Tiếng hát Dôi-a (1953) và đặc biệt là ca khúc nổi tiếng Mẹ yêu con (1956).

Cuối năm 1957, NS Nguyễn Văn Tý cùng với các NS Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội NS Việt Nam. Đầu năm 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Thời gian này, NS Nguyễn Văn Tý đã viết một số ca khúc như Chim hót trên đồng đay (1963), Dòng nước quê hương (1963), Tiễn anh lên đường (1964)...

NS Nguyễn Văn Tý có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Các tác phẩm âm nhạc của ông luôn được ông chắt chiu, nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài. Nhiều sáng tác của ông sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của vùng miền, chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và mang đậm bản sắc dân tộc. Ngoài ra, đề tài về người phụ nữ cũng được ông tâm tư và sáng tác trong nhiều ca khúc quen thuộc. Trải qua nhiều thập niên, rất nhiều bài hát của ông đến nay vẫn được đông đảo công chúng yêu mến, trong đó có: Dư âm, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Cô nuôi dạy trẻ... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác một số ca khúc thiếu nhi như: Màu áo chú bộ đội, Tôi là gà trống, Gà mái mơ, Út cưng... Năm 2000, NS Nguyễn Văn Tý được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Thông tin NS Nguyễn Văn Tý mất trong chiều 26-12 nhanh chóng lan truyền trong giới âm nhạc. NS Nguyễn Văn Hiên, đang công tác tại Hà Nội, khi hay tin người thầy đáng kính mất, lặng người chia sẻ: “NS Nguyễn Văn Tý là người thầy đã dạy cho tôi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm nghề trong những ngày đầu đất nước giải phóng. Thầy là người rất uyên bác, có tấm lòng rộng mở, luôn nhiệt thành, sẵn sàng giúp đỡ, truyền dạy kinh nghiệm cho các NS trẻ. Khi tôi còn là Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TPHCM, thầy đã cùng tham gia đứng lớp trong nhiều chương trình giảng dạy chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật trong sáng tác âm nhạc cho anh em trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Ông là người thầy đáng kính của bao thế hệ NS tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Đức Trung, Lê Văn Lộc... Ông đã giúp rất nhiều NS trẻ của TPHCM trưởng thành. Nay thầy đã ra đi, thế hệ NS đã có tuổi chúng tôi thành kính tri ân, kính gửi đến thầy nén nhang tưởng nhớ với nỗi buồn khôn nguôi!”

NS Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc TPHCM, bùi ngùi: “Là NS thế hệ sau này, khi nghe tin NS Nguyễn Văn Tý mất, tôi rất buồn và cảm nhận được một nỗi mất mát to lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Ông là NS tài hoa, đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến cho âm nhạc với rất nhiều tác phẩm để đời mà bao thế hệ trẻ phải học hỏi, noi theo”.

Linh cữu NS Nguyễn Văn Tý được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố. Lễ nhập quan lúc 8 giờ ngày 27-12-2019, sau đó là lễ viếng. Sáng 29-12-2019 là lễ di quan.

Tin cùng chuyên mục