Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Âm nhạc giải trí không có tội

Có thể nói, nhạc sĩ Nguyễn Cường là một trong số những nhạc sĩ tài hoa đưa nhạc Việt với những giá trị tinh túy trong cả lời ca lẫn giai điệu đến với đại đa số công chúng yêu nhạc. Album mới nhất của anh có tên Tùng Dương hát Nguyễn Cường - một lần nữa cho thấy sự kén chọn người hát, sự tỉ mỉ chỉnh chu trong phối khí. 
Nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Người nhạc sĩ được mệnh danh “chuyên trị dòng nhạc Tây Nguyên”, lần này đã có sự thay đổi khi giới thiệu đến công chúng một sản phẩm âm nhạc ma mị của vùng đồng bằng Bắc bộ. 

PHÓNG VIÊN: Vì sao anh chọn ca sĩ Tùng Dương là giọng ca duy nhất trong album lần này?

Nhạc sĩ NGUYỄN CƯỜNG: Khi nghe Tùng Dương hát Hò biểnNét ca trù ngày xuân, dù có nhiều người đã hát 2 ca khúc này, với tôi, Tùng Dương hát đạt nhất. Tùng Dương là ca sĩ có gu âm nhạc, quyết đi con đường riêng và đã thành công. Điều này rất đáng quý. Ca khúc của tôi không dễ hát, nó không chỉ yêu cầu về kỹ thuật thanh nhạc mà còn là sự cảm thụ tinh tế, độ “thấm” trong từng ngôn ngữ. Tùng Dương hội đủ những yếu tố này.

Có những ca khúc, cậu ấy và tôi phải trao đổi với nhau rất kỹ để hiểu tinh thần của bài hát và chọn cách phối khí, thể hiện, khiến người nghe có thể phải nổi da gà, như: Đàn cầm dây vũ dây văn, Bi ca Trọng Thủy, Độc thoại phù sa... Đó là lý do mà album này phải mất đến 3 năm mới hoàn thành và tôi hoàn toàn thấy thỏa mãn, hạnh phúc.

Có thể nói, sự nghiệp âm nhạc của tôi ngoài các ca khúc về Tây Nguyên thì album lần này là tinh hoa trong mấy chục năm theo nghề. Tôi thực hiện album này để tặng mọi người, chứ không nhằm mục đích quảng cáo hay kiếm tiền.

Dù biết rõ các ca khúc của mình sẽ kén người nghe, người hát, nhưng anh vẫn chọn cách sáng tác này. Anh có thấy buồn nếu ca khúc nghệ thuật, hàn lâm, nhưng lại ít khán giả?

Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, gia tài của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có 200 ca khúc, 4 hợp xướng 3 chương và rất nhiều bản khí nhạc. Anh cũng là nhạc sĩ tạo nên dấu ấn đậm nét cho 2 ca sĩ Tây Nguyên huyền thoại - NSND Y Moan và Siu Black.

Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Cường, người yêu nhạc Việt nhớ ngay đến Hò biển, Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội, Mái đình làng biển, Nét ca trù ngày xuân… và loạt ca khúc về Tây Nguyên: Ơi, M’Drak, Em muốn sống bên anh trọn đời, Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk, H’ren lên rẫy, Ly cà phê Ban Mê… 

Phải đáng vui mừng chứ, vì âm nhạc hàn lâm như Kim tự tháp, càng lên cao càng ít người. Đứng trên đỉnh Kim tự tháp phải ít người là đúng rồi. Đâu phải nhạc sĩ nào cũng chỉ chăm chăm hướng đến công chúng trẻ.

Với âm nhạc giải trí, theo tôi, chúng ta không nên can thiệp, phê phán hay bài xích, vì đó là loại âm nhạc làm người ta vui và đó là quyền của người sáng tác lẫn người thưởng thức. Còn loại nhạc hướng tới sự tìm tòi về ngôn ngữ, tìm tới để phát triển vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của Việt Nam, cũng là để bộc lộ tâm hồn của tác giả, của ca sĩ và nhìn ở góc độ cao hơn, là âm nhạc bộc lộ tâm hồn của cả dân tộc - tôi chọn hướng đến dòng âm nhạc này.

Tôi muốn âm nhạc của mình chạm đến các tầng văn hóa dân tộc, phản chiếu đời sống mới và bài hát mang được ý nghĩa xã hội, đóng góp vào sự phát triển ngôn ngữ dân tộc. Nhưng những ca khúc, nhạc giải trí làm cho nhiều người vui cũng rất cần và đáng hoan nghênh. Cái nào cũng tốt và có thính giả riêng. Nhiều khi chúng ta nói không hay về nhau, chê bai lẫn nhau giữa các dòng nhạc, theo tôi chỉ là vì không phân biệt giá trị và chức năng của các thể loại nhạc mà thôi.

Vậy theo anh, nhạc Việt và lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay có đủ để kế thừa những người đi trước?

Âm nhạc bây giờ đa số chỉ giải trí thôi, nhưng vẫn có một số nhạc sĩ trẻ có khả năng. Tôi tin họ sẽ phát triển, tạo cho âm nhạc giải trí Việt Nam có gương mặt riêng trong khu vực. Cũng có người đạo nhạc, vì miễn là nhiều người thích thứ âm nhạc ấy là họ làm; giống như kiểu buôn bán chiếm dụng vốn vậy. Nhưng với những nhạc sĩ muốn bộc lộ tâm hồn, tư duy riêng của mình sẽ không bao giờ đi đạo nhạc. Chúng ta đang lo vì có nhiều sự bát nháo trong sáng tác và thưởng thức âm nhạc của giới trẻ hiện nay, nhưng cá nhân tôi lại không thấy lo. Bởi tôi nghĩ, hiếm có dân tộc nào như Việt Nam, có một nền âm nhạc dân tộc phong phú, người dân thì yêu ca hát nên sẽ biết chọn lọc qua bộ lọc thời gian.

Hiện nay có quá nhiều gameshow về ca nhạc, tuyển chọn ca sĩ, nhạc sĩ sáng tác trên truyền hình với hầu hết là những nhận xét “có cánh”. Anh có nghĩ rằng, điều này sẽ làm cho người yêu nhạc thấy làm nhạc và làm ca sĩ ở Việt Nam bây giờ dễ dàng quá?

Chúng ta nên hiểu rằng, tất cả những chương trình truyền hình ấy thật ra chỉ là trò chơi. Người chơi được vui, còn nhà đài kiếm được tiền. Đừng quá lo rằng công chúng sẽ bị ảnh hưởng và sẽ có cái nhìn méo mó về âm nhạc Việt vì những chương trình này. Đời sống âm nhạc Việt thật ra vẫn phát triển bình thường. Tôi biết, có những nhạc sĩ trẻ vẫn ngày đêm viết giao hưởng, dù dòng nhạc này không mấy người biết đến và chịu nghe. Điều cần quan tâm chính là thời lượng mà các nhà đài dành cho các chương trình âm nhạc giải trí.

Bản thân nhạc giải trí không có tội, vấn đề là nhà đài nên cân đối thời lượng phát sóng để có sự tương xứng cho cả nhạc giải trí lẫn nhạc tử tế, nhạc dân tộc và nhạc hàn lâm. Vì thời lượng dành cho dòng nhạc nghiêm túc quá ít, so với các chương trình nhạc giải trí nên người xem (cả trong nước lẫn nước ngoài) lầm tưởng nhạc Việt hiện nay chỉ có giải trí mà thôi. 

Các ca khúc của anh thường được sáng tác trong bao lâu và anh thấy hài lòng nhất điều gì trong sự nghiệp của mình?

Cũng còn tùy, có bài tôi chỉ viết trong vòng 5 - 10 phút, nhưng cũng có ca khúc phải mất 10 năm mới viết xong. Nhanh chậm không ảnh hưởng đến chất lượng của bài hát, quan trọng vẫn là tôi thấy hài lòng khi bài hát ấy hoàn thành. Cho đến giờ, tôi thấy mình quá hạnh phúc khi là nhạc sĩ có đến 3 ca sĩ “ruột” là NSND Y Moan, Siu Black và Tùng Dương. Họ không chỉ hát mà là rút gan rút ruột với những ca khúc của Nguyễn Cường. Đời một người nhạc sĩ có khi chỉ tìm được 1 ca sĩ như thế, nhưng tôi có tới 3, thật là quá may mắn và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục