Nhà văn Niê Thanh Mai: Nếu không tự bứt phá, mình sẽ bị bỏ lại

Nhà văn Niê Thanh Mai (người Êđê), hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk. Những năm 2000, Niê Thanh Mai là tác giả trẻ đầy hứa hẹn của Tây Nguyên khi liên tiếp giành được các giải thưởng văn học uy tín. 
Sau một số tác phẩm như Suối của rừng, Về bên kia núi, Ngày mai sáng rỡ, mới đây, chị vừa ra mắt tập truyện ngắn Phía nào sương thôi rơi (Sbooks và NXB Văn học), mang đến những điều thú vị và hấp dẫn từ vùng đất Tây Nguyên.
Nhà văn Niê Thanh Mai

* PHÓNG VIÊN: Từ tập truyện Ngày mai sáng rỡ đến Phía nào sương thôi rơi cũng đã 10 năm. Vì sao phải có khoảng thời gian dài như vậy?

* Nhà văn NIÊ THANH MAI: Nhiều lúc giữa ngổn ngang công việc của một công chức, tôi từng nhủ rằng, có phải mình đã tự lãng quên, tự làm mình tụt lại rất xa giữa dòng chảy của văn học, của sự bứt phá từ bạn bè cùng trang lứa và rất nhiều bạn trẻ thế hệ cuối 8X, 9X hay không? Thậm chí tôi từng nghĩ mình hết duyên với văn chương rồi. 

Sau một thời gian rất dài, khi mọi việc đã ổn định, nhờ sự giúp sức, động viên của các anh chị, bạn bè trong giới như nhà văn Linh Nga Niê Kdăm, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Lê Vĩnh Tài..., tôi quay trở lại với văn chương. Thật may, văn chương vẫn dang rộng cánh tay đón tôi.  

* Việc đảm trách cùng lúc Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk đã ảnh hưởng đến công việc sáng tác của chị như thế nào?   

* Tôi không thấy có gì khó khăn cả, ngược lại, vô cùng thuận lợi. Khi làm công tác Hội VHNT, tôi có nhiều điều kiện hơn để gặp gỡ các cô chú, anh chị thế hệ trước. Ngoài ra, được làm việc, gặp gỡ các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số (DTTS) khắp cả nước đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, bài học về mọi mặt, đặc biệt là trong sáng tạo VHNT, công tác quản lý của hội.

Từ đó mở rộng sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc khắp nơi trong cả nước. Khi rời công tác quản lý trong ngành giáo dục, chuyển hẳn sang công tác của Hội VHNT, tôi có nhiều thời gian hơn để đọc, để nghiên cứu, tìm tòi và viết. 

* Sau 10 năm, văn chương của Niê Thanh Mai đã có những bước tiến gì đáng kể? 

* Kho tàng sử thi đồ sộ, vốn văn hóa, văn học phong phú, các thế hệ đi trước đã làm được nhiều điều, có được những tác phẩm gây tiếng vang về vùng đất huyền thoại. Thế hệ của tôi chưa ai làm được điều gì tương tự như thế. Mỗi tác phẩm tôi đều tự dặn mình làm thế nào để lan tỏa nét hay, nét đẹp của vùng đất, con người, những điều kỳ diệu nơi tôi sinh ra và lớn lên. 

Sau 10 năm, tôi vẫn chỉ là một người cầm bút bình thường. Chưa ghi được dấu ấn thật sự nổi bật trên văn đàn, chưa làm được điều mà các thế hệ trước đã bồi dưỡng, chăm bẵm mình suốt 30 năm. Vì thế, tôi còn phải nỗ lực nhiều nữa, có khi phải 200% công lực mới có thể trả được ân tình của các cô chú dành cho mình từ những ngày thơ bé. 

* Nổi bật trong các truyện ngắn của chị là bản sắc văn hóa Tây Nguyên và thân phận của những người phụ nữ vùng cao. Điều chị đau đáu nhất và cũng mong muốn được gửi đến bạn đọc nhất, khi viết về những đề tài này? 

* Tôi chỉ mong bạn hay tất cả những ai đọc tác phẩm của tôi thấy bóng dáng những người phụ nữ người DTTS trong tác phẩm mà tôi đã viết. Nơi gia đình theo chế độ mẫu hệ, con gái đi hỏi chồng, đi cưới chồng, con cái sinh ra theo họ mẹ. Nhưng trong cuộc sống, họ cũng là những người đau đáu nỗi niềm, khát khao hạnh phúc. Giống như những người phụ nữ ở nhiều nơi, họ tìm kiếm hạnh phúc và miệt mài với những cuộc hành trình ấy không dễ dàng gì. 

* Trong sự vận động của văn học nước nhà nói chung, có sự đóng góp không nhỏ từ các tác giả người DTTS. Xin chị chia sẻ đôi điều về bức tranh chung của văn học các DTTS và nhất là thế hệ viết trẻ hiện nay?  

* Văn học DTTS đang từng ngày khẳng định vị thế trên văn đàn. Tuy nhiên đó là nói chung về văn học DTTS của cả nước, nhất là phía Bắc, trong đó có sự nổi bật của các bạn trẻ. Trước sự nổi bật ấy thì tại vùng Tây Nguyên đang khá đuối. Sự xuất hiện của các cây bút trẻ, nhất là người DTTS vùng Tây Nguyên, quả thật còn thưa thớt. Một số tác giả xuất hiện nhưng chất lượng tác phẩm còn khá mỏng, chưa thật sự đầu tư và có chiều sâu. Còn những người chớm viết được thì bận rộn với công việc, gia đình, không theo đường dài được.

Thật sự, những người làm công tác quản lý VHNT như chúng tôi khá lo lắng, cùng lên kế hoạch để tìm kiếm, bồi dưỡng, hỗ trợ các bạn đến với văn chương. Tôi cũng như các anh chị, khao khát và mong muốn văn học DTTS, nhất là vùng Tây Nguyên, ngày một bứt phá và gây được dấu ấn nhất định.

* Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo ra một “thế giới phẳng” giữa các quốc gia cũng như giữa các lĩnh vực của đời sống, trong đó có văn chương. Là một tác giả người DTTS, chị nghĩ sao về điều này?

* Tôi thấy thuận lợi nhiều hơn đấy chứ. Chính nhờ sự phát triển đó, tôi có nhiều điều kiện để tiếp cận văn chương, tác phẩm của bạn bè, từ đó nhận ra mình đang đứng ở vị trí nào trên văn đàn để nỗ lực. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho chính mình. Bởi nếu không tự bứt phá thì chính mình đang bị bỏ lại, tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa.

Tôi cho rằng, chỉ có sự nỗ lực, học hỏi và không ngừng cố gắng mới giúp tôi và các tác giả khác thu hẹp khoảng cách. Khoảng cách dài hơn, rộng ra hay hẹp lại hoàn toàn do chính bản thân mình.

Tin cùng chuyên mục