Nhà văn “Mùa lá rụng trong vườn” ra mắt tiểu thuyết ở tuổi ngoài 80

Trên văn đàn Việt Nam, có lẽ hiếm tác giả có sức viết dẻo dai, bền bỉ như nhà văn Ma Văn Kháng. Sau gần ba mươi tác phẩm ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn…; mới đây, ở tuổi ngoại bát tuần, cha đẻ của “Mùa lá rụng trong vườn” lại ra mắt tiểu thuyết "Chim én liệng trời cao"- tác phẩm gần 400 trang sách phát triển từ truyện ngắn Chim én ông khởi bút gần nửa thế kỉ trước. 

Nhà văn “Mùa lá rụng trong vườn” ra mắt tiểu thuyết ở tuổi ngoài 80

Bút danh Ma Văn Kháng khiến nhiều độc giả tưởng rằng đây là nhà văn miền núi, người dân tộc thiểu số, chứ ít ai nghĩ ông là nhà văn Hà Nội gốc, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ra tại làng Kim Liên, Quận Đống Đa, một ngôi làng cổ của Hà Nội.

Ông từng là giáo viên dạy văn và hiệu trưởng một trường cấp ba tại tỉnh Lào Cai. Hơn 20 năm tuổi trẻ gắn bó với vùng đất này, dường như cuộc sống, văn hóa của người dân vùng núi rừng Tây Bắc đã trở nên máu thịt trong ông.

Nhà văn “Mùa lá rụng trong vườn” ra mắt tiểu thuyết ở tuổi ngoài 80 ảnh 1 Chim én liệng trời cao là khúc ca đẹp, hùng tráng về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của người dân vùng núi rừng Tây Bắc khoảng thời gian cuối những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỉ trước.
Trong tác phẩm, nhà văn Ma Văn Kháng khắc họa sinh động nỗi cơ cực của bà con miền núi dưới sự áp bức, bóc lột của lí trưởng Vi Văn Tăm thâm hiểm, tên đồn Tây Brusex tàn bạo, tổng Ngao hung ác khét tiếng, Vi Văn Dẻn lươn lẹo… Hết thuế thân, người dân phải lo nộp thóc gạo lợn gà cho đồn Tây, rồi bọn cai trị lại “lấy nước chạy cối ngàn độc quyền xay xát thóc gạo, không cho dân lấy nước làm ruộng”, ruộng tốt thì chúng chiếm cả, chỉ để lại cho dân những mảnh cằn cỗi. Có những người như anh Lẳng, bà cụ Trì phải ở đợ cho lí trưởng cả đời không trả hết nợ. Thanh niên trai tráng thì bị dồn đi phu đi lính phải bỏ mạng hoặc “may mắn trở về được thì chỉ còn cái xác người”...

Nhà văn Ma Văn Kháng cũng dành nhiều trang viết đẹp về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, với “nắng sớm phết lớp quang dầu bóng bẩy trên các chóp núi, hồng dâng cả một vùng rừng trúc”, với những “ngọn núi là đứng mãi ở lưng trời và những cánh rừng là trải ra mênh mang xanh mướt”; hay hình ảnh, hương vị đầy sức sống khi mùa cốm tới: “Nếp đã vào đòng được hơn một tuần trăng, phổng phao từng chuỗi hạt, vít cong ngọn mỗi thân lúa. Bầy én đã chuyển cư, nhưng chèo beng lại về từng bầy. Những con chèo beng lông xanh bóng, đuôi xẻ đôi, dập dờn cặp cánh lượn, cất tiếng hót liên hồi giữa làn hương sữa thơm tỏa lên mỗi lúc một ngào ngạt từ mỗi khu đồng”.

Chim én liệng trời cao góp phần làm phong phú thêm dòng sách văn học chiến tranh cách mạng, giúp độc giả hiểu thêm về chặng đường gian khổ mà không kém phần oai hùng của những người lính bộ đội Cụ Hồ và nhân dân Tây Bắc trong giai đoạn gây dựng lực lượng, chống lại âm mưu bành trướng của thực dân xâm lược. Tác phẩm cũng ngợi ca những con người chân chất, mộc mạc nhưng can đảm, nhanh trí, hết lòng vì sự nghiệp chung. Đọc tác phẩm, độc giả còn được đắm mình trong vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ và những nét văn hóa đậm đà bản sắc của vùng núi rừng Tây Bắc. Tác phẩm được thai nghén gần nửa thế kỉ, kết tinh văn tài, bút lực của nhà văn Ma Văn Kháng, có lẽ cũng là món nợ ân tình mà ông trả nghĩa cho “vùng đất thẩm mĩ” của mình.

Với hàng loạt tác phẩm có giá trị về cả đề tài miền núi lẫn cuộc sống thời đổi mới, nhà văn Ma Văn Kháng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả: Vùng biên ải (tiểu thuyết, 1983); Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985); Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết, 1989); Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989); Chó Bi, đời lưu lạc (tiểu thuyết, 1992)… 

Tin cùng chuyên mục