Nhà văn Lê Lựu làm sống dậy nhiều ký ức đẹp đẽ

Ngày 9-11, Đại tá, nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, nơi ông chọn để trở về sau hơn 60 năm sống và làm việc ở Quân khu 3 và Hà Nội.

Sự ra đi lặng lẽ của ông đã làm sống dậy trong mỗi người chúng ta những ký ức đẹp đẽ về ông, một nông dân, một người lính với tài năng thiên bẩm đã bước vào văn học, tự xây dựng cho mình một vị thế, một chỗ đứng mà không ai có thể thay thế được.

Đại tá, nhà văn Lê Lựu sinh ngày 2-2-1938 trong một gia đình thuần nông tại làng Mẫn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm 1959, ông nhập ngũ và chính trong môi trường quân ngũ vừa gian khổ vừa nghiêm ngặt này, ông đã tìm đến với văn học.

Tết làng Bụa là tác phẩm đầu tiên của ông được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1971, sau khi truyện ngắn Người cầm súng của ông được trao giải nhì trong cuộc thi của Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, ông được Tổng cục Chính trị điều động về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

Nhà văn Lê Lựu làm sống dậy nhiều ký ức đẹp đẽ ảnh 1 Nhà văn Lê Lựu

Có thể nói, nhà văn Lê Lựu đã để lại cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới những dấu mốc quan trọng. Năm 1985, ông xuất bản tiểu thuyết Thời xa vắng, một thiên truyện đặc sắc và đau đớn viết về nông thôn, về một con người không tìm thấy hạnh phúc bên ngoài bầu khí quyển quen thuộc của mình.

Tác phẩm được coi như “tiếng súng lệnh” của thời kỳ đổi mới văn học, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim nhựa năm 2004 và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Năm 1986, ông được Tổ chức William Joiner - tổ chức văn học của các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, mời sang thăm nước Mỹ. Có lẽ ông là người Việt Nam, người lính cộng sản đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ sau chiến tranh. Trở về, ông viết Một thời lầm lỗi, cuốn sách gây tiếng vang lớn không chỉ vì giá trị văn học mà còn bởi lượng thông tin hàm chứa trong đó. Nó lại được coi như tiếng súng lệnh nổ sớm trong sự hòa giải thù hận, trong sự kết nối giao thoa giữa văn học Việt Nam và văn học Mỹ.

Ngoài 2 tác phẩm kể trên, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm xuất sắc: Người cầm súng (1970), Người về đồng cói (1970), Phía mặt trời (1972), Mở rừng (1977), Sóng ở đáy sông (1994), Chuyện quê ngày ấy (2010), Gã dở hơi (2012)... Hồn quê, đất quê tràn ngập trong các tác phẩm của ông ngay cả khi ông viết về người Mỹ, đất Mỹ. 

Về đời riêng, ông không gặp nhiều may mắn, suôn sẻ. Hình như cánh cửa của hạnh phúc luôn đóng mở bên ngoài tầm với của ông. Tuy vậy, dù trong hoàn cảnh nào ông vẫn là một người cha chu toàn, nuôi dưỡng 4 người con, cả con nuôi, con đẻ đầy đủ và trọn vẹn cho đến khi trưởng thành.

Với bạn bè, đồng nghiệp, ông sống hết lòng, luôn dang rộng vòng tay che chở, giúp đỡ, đặc biệt với các cây bút trẻ. Chính vì thế khi ông gặp khó khăn, bạn bè chủ động tìm đến chia sẻ, hỗ trợ ông cũng với một tình cảm hết lòng như vậy. Ông giàu vì bạn. Bạn bè là hạnh phúc lớn nhất của ông, giúp ông khỏa lấp những thiếu hụt trong đời sống.

Cuộc sống vẫn là những dòng chảy không ngừng, nhưng vắng ông là một sự thiếu vắng không dễ gì bù đắp được…

Nhà văn Lê Lựu qua đời lúc 19 giờ 25 ngày 9-11, hưởng thọ 85 tuổi. Lễ viếng tại nhà riêng ở xóm Nam Đàn, thôn Mãn Hòa, Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên từ 7 giờ ngày 10-11. Lễ di quan 7 giờ 20 ngày 11-11. An táng tại quê nhà.

Tin cùng chuyên mục