Nhà văn Kim Quyên và hành trình văn chương có nhiều trái ngọt

Như một sự nhìn lại và ghi nhận những đóng góp của nhà văn Kim Quyên, ngày 9-9, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức tọa đàm “Nhà văn Kim Quyên và hành trình văn chương” với sự tham dự của đông đảo đồng nghiệp và bạn đọc. 
Đại diện Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Bích Ngân (phải) và nhà văn Trầm Hương trao tặng hoa cho nhà văn Kim Quyên như một lời chúc mừng gửi đến bà
Đại diện Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Bích Ngân (phải) và nhà văn Trầm Hương trao tặng hoa cho nhà văn Kim Quyên như một lời chúc mừng gửi đến bà

Nhà văn Kim Quyên (tên thật là Huỳnh Kim Hường), quê ở xã Mỹ Hạnh Đông (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Bà tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TPHCM (khoa Nga văn) và Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang (khoa Anh văn). Xem giáo dục là nghề nhưng niềm đam mê lớn nhất của bà là văn chương. Tính từ tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản là Nụ hôn đắng, đến nay, nhà văn Kim Quyên đã trải qua hơn 32 năm gắn bó với văn chương.

Qua một chặng đường dài cầm bút, với sự cần mẫn và đam mê của mình, nhà văn Kim Quyên đã có 14 tác phẩm được xuất bản với nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ.

Nhà văn Kim Quyên và hành trình văn chương có nhiều trái ngọt ảnh 1 Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Quyên
Trên hành trình đó, bà cũng đã gặt hái được nhiều trái ngọt cho mình thông qua những giải thưởng: Huy chương vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam (2004), giải thưởng bút ký của Hội Nhà văn Việt Nam (2008), giải thưởng bút ký của Bộ Giao thông Vận tải (2015), giải thưởng tập truyện ngắn của Bộ Nông nghiệp Việt Nam (2016), giải thưởng Mekong lần thứ 8 của 6 nước Đông Nam Á (2017) cho tiểu thuyết Tình không biên giới...
Nhà văn Kim Quyên và hành trình văn chương có nhiều trái ngọt ảnh 2 Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM là người theo dõi sát sao hành trình văn chương của nhà văn Kim Quyên và dành nhiều tình cảm cho bà

“Hiểu được đời chị Kim Quyên nên tôi biết những gì chị viết ra không thể khác được. Văn chị đôn hậu, chân chất, mộc mạc và giản dị như chính trải nghiệm cuộc đời mà chị đã sống, đã thở. Có người nói chị Kim Quyên viết thật thà quá, hiền quá, tự nhiên quá. Tôi cho đó là một lợi thế của chị. Bởi hiền, thật thà mà văn tự nhiên đi vào trái tim con người, không qua cái ma mị, lắt léo, đánh đố của chữ nghĩa”, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại buổi tọa đàm.

Nhà văn Kim Quyên và hành trình văn chương có nhiều trái ngọt ảnh 3 Nhà văn Bùi Phan Thảo chia sẻ tại tọa đàm
Ấn tượng với tác phẩm Thành phố bên sông, nhà văn Bùi Phan Thảo cho rằng, có thể xem đây là tiểu thuyết khắc họa khá thành công về đất và người Sài Gòn - TPHCM, cũng như quê hương miền Tây Nam bộ của tác giả. Tất cả đều đong đầy kỷ niệm, đều để lại những dấu ấn sâu đậm qua từng câu chuyện, nhân vật; là quê hương, gia đình nặng ân tình.

“Tác giả am hiểu sâu sắc nên dựng cảnh dựng người sinh động, thân thương. Những chi tiết đắt đem đến hiệu ứng thẩm mỹ như cảnh cô đi xem kết quả thi tú tài, tưởng mình thi rớt, lòng ngổn ngang lo buồn, may có người bạn tốt chỉ cho rằng cô thi đậu, do cô hoa mắt, lo lắng mà không nhìn thấy. Cảnh nhóm chiến sĩ trẻ bộ đội giải phóng má cô gặp khi hỏi đường về cầu chữ Y trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968… Với tiểu thuyết này, Kim Quyên góp thêm vào văn học nghệ thuật TPHCM một tác phẩm hay về đất và người phương Nam nói chung, TPHCM nói riêng”, nhà văn Bùi Phan Thảo chia sẻ.

Tọa đàm “Nhà văn Kim Quyên và hành trình văn chương” diễn ra vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Kim Quyên. Xúc động trước tình cảm của bạn bè và đồng nghiệp, nhà văn Kim Quyên không quên dành những lời cảm ơn đến họ. Mong muốn của nhà văn Kim Quyên đơn giản là những chữ, những câu văn của mình góp được một chút gì tốt đẹp cho quê hương. 

Tin cùng chuyên mục