Nhà văn Bùi Anh Tấn - Ngòi bút “rất biết” nhập vai

Hội sách TPHCM diễn ra 2 năm/lần tại Công viên Lê Văn Tám, cũng là dịp để các nhà văn trình làng tác phẩm mới. Sau một thời gian khá lâu, nhà văn Bùi Anh Tấn không in sách mới, chắc là ông cũng để dành cho hội sách lần này.
Nhà văn Bùi Anh Tấn
Nhà văn Bùi Anh Tấn
Trong mấy ngày đầu hội sách, bạn đọc của Bùi Anh Tấn đi khắp Công viên Lê Văn Tám không thấy tác phẩm nào mới của ông. Mãi đến thứ sáu vừa rồi, tức còn 2 ngày nữa hội sách bế mạc, tiểu thuyết dã sử Bảo kiếm và giai nhân của Bùi Anh Tấn mới có mặt trên gian hàng của NXB Tổng hợp TPHCM. Nói thế để thấy, mỗi cuốn sách đều có số phận riêng cho hành trình từ trang viết của nhà văn đến được tay độc giả.
Nhắc đến Bùi Anh Tấn, bạn đọc nhớ đến ông như nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về đề tài đồng tính. Gần 20 năm trước, làng văn xuất hiện tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà viết về đồng tính nam. Những năm đó, đồng tính là điều gì đó còn xa lạ với người Việt, chứ không phải bình thường như hiện nay, khi được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Có thể nói, khi đó Một thế giới không có đàn bà trở thành cuốn sách tạo sự tò mò tìm đọc của những người đồng tính và cả không đồng tính.
Tuy nhiên, cái gì mới lạ thường được đón nhận khá e dè, nhất là đồng tính còn bị kỳ thị trong xã hội Á Đông. Những người kỹ tính hoặc bảo thủ với lối nghĩ “văn là người”, sau khi đọc tiểu thuyết này của Bùi Anh Tấn, họ “nghi ngờ” giới tính của tác giả. Nhà văn Đoàn Thạch Biền nhớ lại: “Tôi gặp Bùi Anh Tấn trong một trại sáng tác sau khi anh xuất bản Một thế giới không có đàn bà. Hôm đó, khi nhận phòng khách sạn, tôi nhận thấy nhiều đồng nghiệp cầm bút ngần ngại vì họ sợ bị xếp chung phòng với Bùi Anh Tấn. Chắc họ đọc tác phẩm của anh rồi suy ra tác giả cũng là người đồng tính. Viết về đề tài này khi đó không đơn giản nhận được sự đồng cảm như hiện nay phổ biến trên phim, trên kịch và trong cuộc sống hàng ngày”.
Tài năng của nhà văn nằm ở sự sáng tạo mà nhiều khi các chi tiết hư cấu cũng khiến người đọc tưởng là trải nghiệm thực tế của chính tác giả. Một thế giới không có đàn bà đã làm được điều này khi nhà thơ Lê Minh Quốc đọc xong từ khi sách mới in, đến nay vẫn còn đặt trong đầu câu hỏi: “Nhiều chi tiết có phải do Bùi Anh Tấn hư cấu? Tôi không tin hư cấu mà tài quá, đọc cứ như từ người trong cuộc viết ra”. Có lẽ không chỉ đồng nghiệp cầm bút mới đặt câu hỏi này về giới tính của tác giả. Và Bùi Anh Tấn đã trả lời tất cả bằng tiểu thuyết thứ hai về đồng tính nữ Les Vòng tay không đàn ông. 
Không dừng lại, Bùi Anh Tấn muốn chứng minh thêm rằng, đồng tính không chỉ có ở xã hội hiện đại mà ngay trong quá khứ xa xưa đã có đồng tính như một lẽ tự nhiên của đất trời. Ông viết Bí mật hậu cung, tiểu thuyết về người đồng tính dưới vương triều nhà Lý. Năm 2012, khi thế giới chưa công nhận hôn nhân đồng tính, Bùi Anh Tấn đã nói: “Đã đến lúc bạn đọc đồng tính của tôi có “quyền” đòi được yêu công khai, được sống công khai, được xã hội thừa nhận họ như mọi thực thể khác. Bằng ngòi bút của mình, tôi cố gắng “giúp đỡ” những bạn đọc đồng tính của tôi trong khả năng cho phép, nhằm xóa bỏ những ngăn cách, thiên kiến xã hội đối với người đồng tính”.
Với Bùi Anh Tấn, ông là một nhà văn chuyên nghiệp chứ không phải một nhà hoạt động xã hội để chỉ theo đuổi một đề tài. Văn của ông còn thể hiện ở các đề tài về chiến tranh, tôn giáo và lịch sử. Đặc biệt trong các đề tài này, tôn giáo có một sức hút kỳ lạ với Bùi Anh Tấn khi ông là một trong số ít nhà văn vừa viết cùng lúc về Phật giáo (tác phẩm Sắc và không) và Công giáo (Tin mừng)… 
Với Phật giáo, Bùi Anh Tấn kể, lúc nhỏ ông suýt chút nữa trở thành nhà sư vì mẹ ông đi chùa mộ đạo muốn ông xuất gia. Nhưng theo cách nói của nhà Phật, chắc vì chữ duyên chưa đến nên hôm nay mới có một nhà văn Bùi Anh Tấn thay vì một nhà sư đạo cao đức trọng. Tuy nhiên, dù làm nghề gì ông vẫn dành một sự say mê nhất định để nghiên cứu và viết về Phật giáo. Ngoài Sắc và không, Bùi Anh Tấn còn có tiểu thuyết Đàm đạo về điều ngự giác hoàng viết về vua Trần Nhân Tông trong công cuộc chống giặc Nguyên Mông và khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm.
Nhân vật của nhà văn có thể đang sống lẩn khuất trong chúng ta hoặc đã được lịch sử ghi danh, nhưng mỗi nhân vật đều có số phận khác biệt được nhà văn khắc họa. Với tiểu thuyết dã sử Bảo kiếm và giai nhân, Bùi Anh Tấn đã khắc họa bằng nhiều tình cảm dành cho nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga. Cũng như nhiều phụ nữ một thời, dù xuất thân quyền quý, nhưng thân phận của họ như một bản nhạc với nhiều nốt trầm buồn. Và văn chương xưa nay vốn vậy, thường nghiêng về những số phận bị thiệt thòi hơn là những nụ cười hớn hở.

Tin cùng chuyên mục