Nhà thơ Trương Nam Hương: Thơ là người bạn cuối cùng

Từ khi nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Khúc hát người xa xứ vào năm 1991, có thể nói, nhà thơ Trương Nam Hương đã có một hành trình dài với thơ. Trên hành trình đó, ông chưa bao giờ tự mãn với thành quả đạt được, mà luôn không ngừng sáng tạo, tìm tòi, chắt lọc để có những bài thơ hay gửi đến bạn đọc.
Nhà thơ Trương Nam Hương
Nhà thơ Trương Nam Hương

1. Sau Khúc hát người xa xứ, Cỏ, tuổi hai mươi, Ban mai xanh, Ngoảnh lại tháng năm, Ra ngoài ngàn năm… mới đây, công chúng có dịp gặp lại một Trương Nam Hương vừa quen vừa lạ qua thi tập Thời nắng xanh và những bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn). Quen vì trong ấn phẩm này, người đọc sẽ bắt gặp những bài thơ vốn đã gắn liền với tên tuổi của ông như Tâm sự Thúy Vân, Sau lưng mùa hạ cũ, Xa lắc mùa thu…

Ông nói: “Trong tập này có hơn nửa là bài mới, còn lại là tuyển từ các tập trước. Đây không phải tuyển tập mà là thơ chọn. Với riêng tôi, những bài chọn ở đây vẫn có thể đọc lại được. Tuy vậy, tôi cũng muốn thử xem những bài mà ngày xưa bạn đọc yêu thích, qua một thời gian, bạn đọc - nhất là bạn đọc trẻ ngày nay, có đón nhận nữa hay không”.

Đọc thơ Trương Nam Hương, có 2 điểm dễ nhận thấy là cảm xúc và cách dụng chữ. Những là “lơ lạc”, “lơ lắc”, “dim dím” rồi “em vít tình anh”, “gió tha thủi”, “tiếng chảo nồi va vập”… nếu để riêng, sẽ thấy vô nghĩa hoặc kỳ quặc; nhưng đặt trong mạch thơ, lại thấy hợp lý, đôi khi khiến câu thơ bừng sáng, có độ ngân vang. Trương Nam Hương bảo, đọc thơ của ông, không ít người cho rằng, ông làm thơ dễ, “nhìn đâu cũng ra thơ”. Nhưng thực tế không phải như vậy, mà đó là một hành trình đầy cực nhọc. Ông chia sẻ: “Mỗi lần viết một câu thơ, tôi cố gắng lẩm nhẩm để nghe được tiếng vang của chữ, nhịp của thơ đi như thế nào, nó có va đập, làm rung động người đọc không. Thơ không thể dài như văn xuôi, thành ra phải nén, và tìm tòi những từ mới. Vì vậy, trong từng câu thơ, tôi luôn cố gắng chọn chữ để câu thơ có đủ âm vang, đủ độ nén”.

Nhà thơ Trương Nam Hương thừa nhận, đối với trang viết, ông thực sự rất khắt khe. Mỗi ngày ông đều viết, nhưng để chọn bài đưa vào tập, trong vài chục bài, có khi ông chỉ chọn được một bài. “Bởi vì tôi biết, độc giả bây giờ khác với độc giả ngày trước, họ tinh tường hơn. Họ cần gì ở trang viết của mình? Mình chia sẻ được điều gì cho họ? Bao giờ tôi cũng đặt câu hỏi như vậy mỗi lần cầm bút. Có thể hồi trẻ mình viết phóng khoáng, thoải mái hơn, đến lúc lớn tuổi thì trong giao tiếp trở nên kiệm lời. Và trong sáng tác cũng vậy, luôn phải chắt chiu, chắt lọc từ”, nhà thơ Trương Nam Hương bày tỏ.

2. Là tuyển chọn những bài từ các tập thơ trước nên Thời nắng xanh và những bài thơ khác mang đến nhiều đề tài, thi hứng khác nhau. Mỗi người sẽ có những cảm nhận về tập thơ này nhưng những bài thơ viết về mẹ của Trương Nam Hương thật sự xúc động. Đôi lúc, chỉ với 4 câu thơ thôi nhưng lại chất chứa trong đó bao nhiêu ưu tư của một người con dù trên đầu đã 2 thứ tóc, nhưng lúc nào hình ảnh mẹ vẫn canh cánh bên lòng: “Mẹ giờ hóa nén hương thơm đỏ/ Thương lặng nhìn con chẳng rụng tàn/ Khói thắt se vòng lo mẹ nặng/ Cõi về cong vít cả thân nhang!”.

Trương Nam Hương kể, mẹ ông mất vào năm 1976, khi ông vừa qua tuổi 12 một chút. Cho đến bây giờ, sự ra đi của mẹ vẫn còn là nỗi ám ảnh với ông. Giống như những người đàn bà khác, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt diễn ra ở miền Bắc, mẹ của Trương Nam Hương cũng phải gồng gánh con cái đi sơ tán. Cuộc sống những năm tháng đó nghèo khó, chồng bận công tác nên bà phải vun vén để bốn đứa con của mình có cái ăn qua ngày.

“Mẹ tôi gốc Kinh Bắc, hát quan họ rất hay. Vào năm 1976, cả gia đình tôi chuyển vào TPHCM, chờ bố nhận công tác. Mẹ tôi sống không có nhiều ngày vui, lúc cuộc sống chuẩn bị khấm khá hơn thì mẹ lại qua đời. Lúc đó, cả nhà tôi vừa chân ướt chân ráo vào TPHCM, giữa một thành phố lớn, sôi động như thế, mấy anh em tôi vẫn còn rất lơ ngơ và nhỏ dại nhưng lại không có mẹ ở bên. Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi: Sao mẹ đi sớm thế?”, nhà thơ Trương Nam Hương bồi hồi nhớ lại.

Nhà thơ Trương Nam Hương (59 tuổi) là Phó Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn TPHCM khóa VIII (2020-2025). Ngoài giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, ông còn nhận được nhiều giải thưởng khác dành cho thơ như: giải thưởng thơ Văn nghệ Quân đội (1989-1990), giải thưởng thơ Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000, gương mặt Văn học 20 năm TPHCM 1975-1995, gương mặt Văn học 30 năm TPHCM 1975-2005…

3. Với một danh tiếng trên thi đàn cùng rất nhiều giải thưởng đã đạt được, không ít người ngỡ rằng, Trương Nam Hương có cuộc sống viên mãn nhưng ông bảo, cuộc đời mình cũng không nhiều suôn sẻ. Cái sự “không nhiều suôn sẻ” này ông muốn giữ lại cho riêng mình, nhưng so với nhiều người khác, ông có một may mắn khi có thơ ở bên cạnh vào những lúc yếu lòng. Xưa, nhà thơ Phùng Quán có 2 câu thơ trứ danh: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Trương Nam Hương bảo, câu thơ của Phùng Quán viết cho nhiều người, viết cho người làm thơ, trong đó có ông.

Theo ông: “Thơ chính là bạn, là tâm hồn mình, không vịn vào thơ thì vịn vào đâu. Với tôi, thơ như là người bạn đồng hành cuối cùng, chỉ mong người bạn đó không bỏ mình và còn đi được với nhau thêm những đoạn đường nữa. Bạn bè chỉ sẻ chia được trong những khoảnh khắc, trong thời điểm nào đó thôi, còn người bạn cuối cùng vẫn là thơ”.

Xem thơ như một mạch ngầm, không viết sẽ tắc, khó viết lại, chính vì vậy, ngày nào Trương Nam Hương cũng làm thơ, xem đó là công việc hàng ngày. Có thể trong số đó không có nhiều bài hay nhưng ông vẫn phải viết để duy trì cảm xúc. Với người làm thơ, việc duy trì cảm xúc quan trọng và cần thiết.

“Một tập thơ được giải thưởng chỉ có phạm vi trong năm đó, còn người viết có cả một hành trình rất dài. Giống như việc leo dốc, càng lên cao càng mệt và đuối, nếu mình buông lập tức sẽ tụt xuống. Là người viết, tôi nghĩ mình cứ nỗ lực không ngừng cho đến khi không còn khả năng nữa thì thôi. Văn chương là như vậy, không cố được mà chỉ có sự nỗ lực hết mình”, nhà thơ Trương Nam Hương đúc kết.

Tin cùng chuyên mục