Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan: Thơ phải thật và mới

Phan Ngọc Thường Đoan là gương mặt thơ nữ ấn tượng trong đời sống văn chương đương đại hiện nay. Tiếp nối 5 tập thơ Lục bát cho khát vọng, Người đàn bà làm thơ và trăng, Đếm cát, Rũ người, Buổi sáng có nhiều chuyện kể, bà vừa ra mắt tập thơ thứ 6, Đất nước tôi màu xanh (NXB Đà Nẵng). 
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan

PHÓNG VIÊN: Những bài thơ trong phần 1 “Khi thành phố giãn cách” gợi nhắc đến giai đoạn khó khăn của thành phố, Đất nước tôi màu xanh có phải là câu trả lời của bà cho câu hỏi: nhà văn, nhà thơ viết gì giai đoạn Covid-19? 

Nhà thơ PHAN NGỌC THƯỜNG ĐOAN: Không. Thực sự, đừng hỏi nhà văn, nhà thơ viết gì trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Không ai viết được gì, bởi vì lúc đó lo cho sinh mạng của mình, của gia đình và những người xung quanh cũng đủ rối rồi, làm sao có ai sáng tác được nữa. Nhưng những ngày đó, khi có việc phải ra đường thì hình ảnh gặp nhiều nhất là xe cứu thương, bóng dáng nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ y tế màu xanh với băng ca, những con đường vắng tanh không một bóng người, chỉ có mặt trời và gió, cái chết luôn được báo động… Toàn chuyện không vui và căng thẳng tạo ra một thứ cảm xúc không thể diễn tả thì câu chữ tự nhiên xuất hiện, buộc tôi phải viết. 

Tập thơ này không nhằm để nói với đồng nghiệp và bạn đọc là mình cũng có làm thơ về Covid-19, chỉ là sự chia sẻ về nỗi đau, sự mất mát, thân phận con người trong cơn đại dịch vừa qua. Sau 13 năm vì nhiều lý do tôi không ra thơ, tập thơ Đất nước tôi màu xanh ra đời. Tôi muốn nói với bạn đọc rằng mình vẫn còn hiện diện ở đây. 

Những ai đã từng quen với thơ tình Phan Ngọc Thường Đoan, sẽ lấy làm bất ngờ khi đọc Đất nước tôi màu xanh. Dường như những bài thơ tình năm nào đã nhường chỗ cho những cảm xúc về quê hương, đất nước… 

Xuất bản một tập thơ về quê hương đất nước nằm trong kế hoạch của tôi từ lâu, lẽ ra nó đã được ra đời năm 2013. Thực ra, không phải đến bây giờ tôi mới làm thơ về quê hương đất nước mà tôi đã viết song hành cùng mảng thơ tình yêu trong quá trình sáng tác. Bằng chứng là trong tập Đất nước tôi màu xanh, bạn đọc sẽ thấy được những dấu mốc “ngày, tháng, năm” mà tôi ký dưới mỗi bài thơ. Đó cũng là cách để nhớ nguyên nhân vì sao có bài thơ này và xác định thời gian khai sinh bài thơ. Đất nước tôi màu xanh là sự định hình một mảng đề tài và tạo dấu ấn cho người đọc sau nhiều năm không in thơ theo một chủ đề riêng, qua đó có thể khắc họa được chân dung thơ của mình. 

Trong cuộc sống, bà có lúc nào cần “vịn câu thơ mà đứng dậy” không?

Hình như là triền miên. Nói chung là ở đời, đâu phải lúc nào mình cũng thăng bằng, có lúc mình xiên xẹo, có lúc mình té ngửa, té sấp, khi vinh hoa khi “thất sủng”, cuối cùng chỉ có thơ làm bệ đỡ cho mình đứng lên. Khi trải lòng với thơ, tôi cảm thấy ấm áp, bình yên và an lòng. Mỗi người có một khuynh hướng, một quan niệm sống và một cách ứng xử với thơ. Với tôi, thơ là hơi thở, là máu huyết, là bạn lâu năm luôn chung thủy và rất thiêng liêng. Vì lẽ đó nên tôi tối kỵ việc làm nhơ uế thơ. Cuộc sống mà, cũng có lúc đói khổ, khó khăn nhưng tôi nghĩ, người làm thơ ít nhất phải có sự tự trọng tối thiểu trong cách “vịn câu thơ mà đứng dậy”.

Đến nay vừa tròn 30 năm từ khi bà công bố tập thơ đầu tiên. 6 tập thơ trong 30 năm, chừng ấy với bà là ít hay nhiều?

Nếu tính số lượng, đối với một người sáng tác, nói như nhà thơ Trịnh Bửu Hoài thì là ít. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài thường nói với tôi, người sáng tác thì mỗi năm ra một tập thơ nhưng tôi nghĩ làm được như vậy cũng khó. Bởi vì điều kiện kinh tế không có. Quan trọng hơn là làm sao trong một năm có thể tuyển lựa được 60 bài thơ ưng ý nhất để người ta không thấy mình của ngày hôm qua. Tôi muốn mỗi lần mình ra một tập thơ mới phải khác với trước. 30 năm với 6 tập thơ, có thể là tùy người nhưng với mình, tôi nghĩ là không ít. Đối với tôi, chất lượng vẫn phải là trên hết. 

Ngoài bài thơ Buổi sáng (được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành Catinat cà phê sáng), nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan còn có hơn 100 bài thơ khác được các nhạc sĩ phổ nhạc như: An Thuyên (Nhớ mẹ), Phú Quang (Hư ảo), Trần Long Ẩn (Tình yêu), Nguyễn Ngọc Thiện (Không còn ai), Toàn Thắng (Có lẽ nào)… Đặc biệt, năm 2017, nhạc sĩ Phạm Văn Nam đã ấn hành tập nhạc và CD cùng tên Khúc đêm (NXB Phương Đông) gồm 10 tình khúc phổ thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

Trong 30 năm ấy, có giai đoạn nào tình yêu với thơ ca của bà bị lung lay, phải đứng trước lựa chọn tiếp tục hay dừng lại? 

Không. Thơ của tôi trải dài như bờ cát biển, rất bền vững không thể nào bị lung lay, cũng chưa bao giờ phải đứng trước lựa chọn tiếp tục hay dừng lại bởi nguồn cảm xúc trong tôi luôn như thác đổ. Mỗi sáng sớm, mở mắt ra là tôi đã có thể làm thơ nếu chạm một vật thể, sự việc nào đó tạo được cảm xúc. Công việc có thể chán nhưng với thơ thì không. Tôi chưa bao giờ chán thơ. Với tôi, thơ không phải là tiên mà là “phù thủy”, quyền năng vô cùng. Thơ có thể giúp cho mình được mọi thứ, tạo cho mình sức sống vào buổi sáng, tạo niềm vui vào buổi chiều. 

Với một hành trình thơ dài như vậy, bà có mang khát vọng đổi mới thơ không? 

Không. Bởi vì thơ có bao giờ muốn đổi mới đâu. Thơ thực sự là tiếng nói của trái tim. Trái tim của mình nói sao thì mình dùng ngôn ngữ, câu chữ để bày tỏ ra như vậy. Mình viết theo những gì trái tim mách bảo, nhưng lúc nào cũng phải khẳng định một điều, thơ phải thật. Và cái thật thì lúc nào cũng mới. Cách tân bằng hình thức thì cũng bình thường, vì chỉ cần anh làm thơ ngắt câu, xuống dòng… nhưng ăn thua là cảm xúc. Một bài thơ có tạo được cảm xúc cho người đọc không, mới là quan trọng. 

Có một thực tế là in thơ bây giờ phải có tiền, in xong lại chật vật phát hành. Thực tế này có khiến bà phiền lòng? 

Bỏ tiền ra in thơ, tự phát hành, không có gì phiền lòng nhưng câu nói vô cảm của người quen và người không quen mới khiến tôi đau lòng chứ không chỉ phiền lòng. Ví dụ, họ nói thế này nè - “rao làm chi cho mỏi miệng, không ai mua đâu”. Đó là sự tổn thương cực lớn đối với người sáng tác.

Tin cùng chuyên mục