Nhà thơ Hoài Vũ: Rung động sau những con chữ

Nhắc đến nhà thơ Hoài Vũ (ảnh, sinh năm 1935, tên thật Nguyễn Đình Vọng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng), hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những thi phẩm nổi tiếng, được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn… Văn xuôi của ông cũng là “vùng đất” đầy thú vị mà có lẽ không ít người vẫn chưa có dịp khám phá. 
Nhà thơ Hoài Vũ

1. Nhà thơ Hoài Vũ kể, vào năm 2020, đánh dấu cột mốc tròn 85 tuổi, từ lời gợi ý của nhà văn Trần Nhã Thụy (Giám đốc chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM), ông tuyển chọn những truyện ngắn ưng ý từ các tập truyện trước như Tiếng sáo trúc, Rừng dừa xào xạc, Quê chồng, Bên sông Vàm Cỏ, Bông sứ trắng, Vườn ổi… để thành tuyển tập Gái thời chiến.

“Tôi cũng lớn tuổi rồi, chỉ mong có một tuyển tập làm kỷ niệm, ghi chép về cuộc đời trải qua trong kháng chiến chống Mỹ. Đơn giản vậy thôi chứ không có tham vọng làm tuyển tập để đời”, nhà thơ Hoài Vũ bày tỏ. 

Trước khi được biết đến là tác giả của những bài thơ nổi tiếng, nhà thơ Hoài Vũ chạm ngõ văn chương bằng văn xuôi. Theo chia sẻ của ông, những năm tháng ở miền Bắc, ông đã viết một số truyện ngắn nhưng dường như chưa gây được ấn tượng.

Vào năm 1963, cùng với các văn nghệ sĩ khác như đạo diễn Ngô Y Linh, đạo diễn Hồng Sến, diễn viên Kim Chi, nhà văn, nhà báo Trần Đình Vân…, từ miền Bắc, nhà thơ Hoài Vũ vượt dãy Trường Sơn vào Nam. Đi gần 4 tháng ròng thì đoàn có mặt ở Trung ương Cục, và ông trở thành phóng viên chiến trường. 

Ở chiến trường Nam bộ, ông tham gia nhiều chiến dịch lớn và từ những chuyến đi này, ngoài viết báo, ông còn viết nhiều truyện ngắn như Bông sứ trắng, Kỷ niệm thức dậy, Gái thời chiến… Nhà thơ Hoài Vũ kể, thời gian đó ông viết rất nhanh, toàn phải viết trong tâm thế tranh thủ. Mỗi khi qua một cuộc hành quân, đến nơi nào yên ả hơn, đêm xuống, ông lại ngồi viết.

“Tôi phải tranh thủ viết nhanh để kịp gửi về phát trên đài. Tất cả truyện ngắn đều được tôi viết trong chiến trường. Lúc đó tình cảm dữ dội, cảm xúc dâng trào nên viết rất nhanh”, ông cười nhớ lại.

Đúng như tên sách, các truyện ngắn trong tuyển tập Gái thời chiến tập trung khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong những ngày đất nước chìm trong khói lửa. Họ là Thiệp, Hơ-mi, Duyên, Hạnh, Thu… Qua những trang viết của Hoài Vũ, họ không còn là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, mà hiện lên đầy quả cảm, gan dạ và kiên cường. Nhà thơ Hoài Vũ bảo, thực ra nhiều truyện ngắn của ông cũng có nhân vật là nam giới, nhưng truyện viết về phụ nữ trong thời chiến vẫn chiếm đa số.

“Phụ nữ đâu phải dành cho chiến tranh, ấy vậy mà trong thời chiến, trên chiến trường, ở nông thôn hay trong các nhà tù của giặc, ở đâu họ cũng là những gương mặt nổi bật. Những con người đó tôi đã gặp, đã tiếp xúc, gây cho tôi một sự xúc động và dằn vặt mà không thể không viết”, nhà thơ Hoài Vũ kể.

2. Dẫu là thơ hay văn xuôi, điều dễ dàng nhận thấy ở Hoài Vũ là tình cảm dành cho Nam bộ, cho miệt vườn, nơi có con sông Vàm Cỏ Đông “nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng”. Chính điều này đã khiến  không ít người lầm tưởng ông là người con của Nam bộ.

Thực tế, ông sinh ra tại Đức Lân (Mộ Đức, Quảng Ngãi). Từ năm 12 tuổi, ông gia nhập thiếu sinh quân, bắt đầu rời xa quê nhà và lần lượt đi qua nhiều nơi như Phú Yên, Bình Định…, sau này ra Hà Nội rồi sang Trung Quốc học tập. 

Nhưng giống như một đúc kết, “cây có cội nước có nguồn, con chim có tổ con người có tông”, dẫu xa quê từ nhỏ, dẫu quê hương Quảng Ngãi trong ông chỉ còn là hồi ức, kỷ niệm của ngày thơ ấu; nhưng trong những ngày này, khi tuổi đã cao, sức đã yếu thì sự ngóng vọng về quê hương trong ông càng lớn. Ông mang trong mình niềm trăn trở mạnh mẽ, ấy là phải viết gì đó về quê hương Quảng Ngãi. Bởi như ông bảo: “Quê hương làm sao mà quên được”. 

Suốt cuộc trò chuyện, nhà thơ Hoài Vũ nhiều lần nhắc đến hai chữ “thanh thản”. Đó là tâm trạng và cũng là tâm thế của ông trong những ngày hoàng hôn của đời người. Bước sang tuổi 87, độ tuổi được xem là xưa nay hiếm, có được tâm thế ấy âu cũng là điều đáng mừng, nhất là với một người từng đi qua lằn ranh sinh - tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng chứng kiến biết bao đau thương mất mát. Thêm vào đó, người bạn đời cũng đã giã biệt ông từ cách đây 5 năm. 

Đoàn văn nghệ sĩ cùng vào Nam với nhà thơ Hoài Vũ hồi năm 1963, nhiều người trong số đó đã trở thành người thiên cổ. Những người bạn văn như Văn Lê, Lê Văn Nghĩa… đã lần lượt rời xa ông. Hiểu được quy luật sinh - lão - bệnh - tử, vậy nên nhà thơ Hoài Vũ nói rằng, ông không có cảm giác lo sợ hay hoang mang.

Ông cũng từ bỏ những muộn phiền, những ganh ghét của thói đời chỉ với một mục tiêu duy nhất là được sống thanh thản. “Nếu không xác định được như thế thì có lẽ chú đã ngã quỵ lâu lắm rồi. Có nhiều người nghĩ cuộc đời của chú đầy suôn sẻ, nhưng không phải, cuộc đời chú cũng có nhiều bi kịch lắm”, ông bộc bạch. 

Nhà thơ Hoài Vũ cho biết, thời gian này ông thường xuyên phải đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Ông bị thiểu năng tuần hoàn não, hay chóng mặt, cùng với đó là bệnh gout, gan nhiễm mỡ. Nhắc đến sức khỏe, giọng ông có chút bùi ngùi. Ông bảo, ngày trước sung sức là vậy, nhưng giờ vì sức khỏe, ông không còn đi để lấy tư liệu, dù niềm đam mê sáng tác vẫn còn đó. “Không viết được cũng buồn chứ”, nhà thơ Hoài Vũ tâm sự.

Có một điều thú vị là đa phần truyện ngắn của ông xuất phát từ một nguyên mẫu, một câu chuyện có thật ngoài đời. Tất nhiên cũng có hư cấu và tưởng tượng, cộng thêm những gom nhặt từ đời sống.

Nhà thơ Hoài Vũ bảo, không phải nguyên mẫu nào cũng có thể trở thành một truyện ngắn, mà đòi hỏi nhà văn phải khéo léo xây dựng và đắp bồi cho câu chuyện lẫn nhân vật của mình.

“Theo tôi, quan trọng hơn cả là người viết phải có sự rung động thực sự về nhân vật đó. Nếu không có sự rung động, viết vì bị ép viết thì lúc đó chữ nghĩa cũng chỉ là chữ nghĩa thôi, không có sự ấm áp, rung động sau những con chữ”, ông chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục