Nhà ở kết hợp kinh doanh phải có lối thoát nạn

Từ ngày 10-6, quy định mới an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM (theo Quyết định 16/2021 ngày 31-5 của UBND TPHCM) có hiệu lực, yêu cầu nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM phải đảm bảo một số điều kiện về an toàn PCCC. 

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM nhận xét, Quyết định 16/2021 có nhiều nội dung mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TP.

Công an quận Tân Phú đến tận nhà hộ kinh doanh tuyên truyền. Ảnh: C.A cung cấp

Hơn 300.000 nhà vừa ở vừa kinh doanh nguy cơ cao

Gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, trong đó nhiều vụ cháy xảy ra tại nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng người dân. Ngày 3-6, trao đổi với PV Báo SGGP, Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết, toàn TPHCM hiện có trên 300.000 nhà ở kết hợp với kinh doanh, dịch vụ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Qua điều tra nguyên nhân vụ cháy, cơ quan chức năng nhận thấy các nguyên nhân phổ biến gây ra cháy, nổ ở các hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tập trung chủ yếu vào 3 nhóm nguyên nhân. Đó là ý thức chấp hành PCCC của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh chưa cao. Người dân còn chủ quan lơ là và vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện.

“Đặc biệt, người dân kinh doanh sắp xếp số lượng lớn hàng hóa dễ cháy ở tầng trệt, trên các lối đi lại nhưng không có lối thoát nạn dự phòng”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm thông tin và cho biết trước thực trạng này, UBND TPHCM đã ban hành quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM.

Một trong những nội dung quan trọng là quy định mới về lối thoát nạn và việc sắp xếp hàng hóa trong nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Cụ thể, lối thoát nạn của loại nhà này phải rộng tối thiểu 0,8m và cao tối thiểu 1,9m. Nếu nhà chỉ có 1 lối thoát nạn thì phải bố trí lối thoát nạn thứ 2. Ngoài ra, nhà có sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định. Tại vị trí cửa lên tầng mái nếu bố trí khóa cửa thì phải thiết kế để dễ dàng thao tác mở cửa từ bên trong nếu xảy ra sự cố cháy nổ…

Trường hợp nguời dân vẫn muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt… phải cam kết chịu trách nhiệm về PCCC. Đồng thời, cửa cuốn phải là loại có cơ cấu tự thu, mở nhanh. Nếu mở bằng điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng.

Ngoài ra, các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. “Nếu tầng trệt được sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì lối thoát nạn từ tầng trên xuống tầng trệt thông qua cầu thang bộ phải có lối đi ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh. Lối đi này phải bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, chiều rộng lối đi không nhỏ hơn 0,8m”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh.

Tạo điều kiện để cải tạo nhà

Quyết định 16/2021 của UBND TPHCM sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10-6. Dù vậy, quyết định cũng cho thời gian chuyển tiếp, tạo điều kiện cho việc cải tạo nhà. Cụ thể, các căn nhà vừa ở vừa kinh doanh có trước ngày 10-6, người dân phải cam kết thời gian hoàn thành các nội dung theo quy định PCCC trong 6 tháng. Sau thời gian này, cơ quan chức năng kiểm tra và có hướng xử lý nếu chưa hoàn thành như cam kết.

Về việc cụ thể hóa các nội dung này, một lãnh đạo UBND phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) khẳng định, phường sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân sửa chữa, cải tạo, nếu thuộc thẩm quyền quản lý của phường.

Ông Hồ Tấn Thành, Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc (quận 12) cho biết thêm, phường đang gấp rút thống kê nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện kịp thời. Qua đó, phường hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, nhất là các hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất sửa chữa, cải tạo nhà ở, bố trí sắp xếp hàng hóa cũng như trang thiết bị PCCC.

“Những hộ nào gặp khó khăn chúng tôi sẽ lập danh sách, báo cáo để có hướng giải quyết cho người dân an tâm kinh doanh, cũng như đảm bảo an toàn PCCC theo quy định”, ông Hồ Tấn Thành nói.

Tại quận Tân Phú, Trung tá Lê Minh Hiếu, Phó Trưởng Công an quận Tân Phú, cho biết, quận Tân Phú có gần 40.000 hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh, tập trung nhiều ở phường Phú Thọ Hòa. Nơi đây có nhiều hộ kinh doanh ngành vải, nguy cơ cháy nổ rất cao, lại nằm trong khu dân cư đông người. Do đó, Công an quận Tân Phú đã phối hợp các phường triển khai đợt cao điểm “4 trong 1” với loại hình đối tượng hộ gia đình có nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.

Trong khi đó, ông Trần Thúc Chương, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho biết, trên địa bàn quận hiện có gần 8.770 hộ kinh doanh, hơn 1.810 hộ sản xuất và 20 hộ kinh doanh hóa chất dạng nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Do đó, sau khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 16/2021, UBND quận đã giao Công an quận 11 tham mưu kế hoạch triển khai cụ thể. Song song đó, quận 11 cũng tổ chức tuyên truyền, trong đó có lực lượng cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân thực hiện.

“Đối với các nhà ở thuộc dạng cải tạo, sửa chữa không tăng diện tích xây dựng, ảnh hưởng quy mô, người dân chỉ cần thông báo cho UBND phường việc cải tạo, sửa chữa. Phường tạo điều kiện thuận lợi để người dân sửa chữa mà không yêu cầu thủ tục gì. Nếu cải tạo, cơi nới thêm để đảm bảo công tác PCCC, quận sẽ tạo điều kiện giải quyết sớm các hồ sơ thủ tục cho người dân”, ông Trần Thúc Chương cam kết.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, trong tháng 5-2021, cả nước xảy ra 450 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 14 người, bị thương 26 người; thiệt hại tài sản ước tính 28,9 tỷ đồng… Đáng chú ý, 313 vụ cháy và sự cố cháy xảy ra tại thành thị, chiếm gần 70% tổng số vụ. Trong đó, cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ (khoảng 50%), gây thiệt thiệt hại về người (khoảng 83%) và tài sản.

Tin cùng chuyên mục