Nhà lưu trú công nhân: Như muối bỏ biển

 Tính đến thời điểm này, dù đã khánh thành 34 nhà lưu trú công nhân với 5.514 phòng nhưng chỉ đáp ứng được 39.400 chỗ ở (chiếm 15,3%) cho công nhân đang làm việc tại TPHCM. 
Nhà lưu trú công nhân tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức
Nhà lưu trú công nhân tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức
Từ năm 2002, khu nhà lưu trú công nhân đầu tiên được khởi công xây dựng tại Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7), TPHCM và đưa vào sử dụng 2 năm sau đó. Ban đầu mô hình này chưa nhận được sự hưởng ứng của công nhân bởi sự bất tiện về giao thông và tiện ích chưa hoàn thiện. Công nhân chê nhà lưu trú vì xa nơi làm việc, lại không được nấu ăn trong phòng, cũng như những nội quy về giờ giấc, an ninh…  Đến nay, sau gần 20 năm ra đời và phát triển,  nhà lưu trú công nhân đã chứng tỏ được vị trí đối với chất lượng cuộc sống của công nhân đang làm việc tại các KCN, KCX. 
So với các dãy phòng trọ nhỏ, lẻ trong khu dân cư, nhà lưu trú có lợi thế khang trang hơn, phòng rộng rãi và sạch sẽ hơn, có các khu tiện ích, khu sinh hoạt cộng đồng, như thư viện, phòng thể thao và các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần mà giá thuê lại thấp, phù hợp với thanh niên công nhân. Song song đó, năm 2009 Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM cũng ra mắt mô hình “Khu lưu trú văn hóa”, cùng chủ nhà trọ chăm lo, hỗ trợ thiết thực về đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân ở các khu nhà trọ trên địa bàn TPHCM. Đến nay, trung tâm đã khánh thành 45 khu lưu trú văn hóa với hàng ngàn chỗ ở, rải rác ở các KCN, KCX.
Những công nhân cư trú trong các khu lưu trú văn hóa được hỗ trợ ổn định giá thuê phòng trọ, không tăng giá điện, nước, được trang bị tủ sách và thiết kế không gian sinh hoạt chung, được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ do trung tâm thực hiện. Bên cạnh đó, công nhân còn được tham gia các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, các phương pháp bảo vệ sức khỏe … từ đội ngũ thành viên CLB chuyên gia của trung tâm. Cũng từ mục tiêu chung nhằm hỗ trợ công nhân, các đoàn thể và chính quyền địa phương cũng có nhiều hoạt động, như vận động các chủ nhà trọ tư nhân nâng cao chất lượng phòng trọ, không tăng giá phòng trọ, tính điện, nước theo giá nhà nước…. Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM khởi xướng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Nữ chủ nhà trọ và nhận được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố. Đến nay, CLB Nữ chủ nhà trọ đã lan tỏa xuống các cấp hội ở địa phương với 172 CLB, tổ, nhóm gồm 4.760 thành viên; vận động được 7.608 chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng, tiền điện, nước. 
Để hỗ trợ thanh niên công nhân an cư, yên tâm làm việc, các đoàn, hội ở TPHCM đã không ngừng nỗ lực vận động từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, dù đã khánh thành 34 nhà lưu trú công nhân với 5.514 phòng nhưng chỉ đáp ứng được 39.400 chỗ ở (chiếm 15,3%) cho công nhân đang làm việc tại TPHCM. Đây là con số còn rất khiêm tốn. Trong năm 2018, TP dự kiến phát triển thêm 2.220 chỗ ở, như vậy cũng vẫn rất thiếu chỗ ở cho công nhân. Không chỉ vậy, công nhân đang sinh sống và làm việc tại TPHCM còn thiếu trầm trọng những thiết chế văn hóa phục vụ, các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp. Con số sân khấu, thư viện, điểm vui chơi giải trí hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi những tiệm game online, quán nhậu bình dân… lại mọc lên nhiều như nấm sau mưa, chứng tỏ đời sống công nhân tại TPHCM, đã thiếu thốn về vật chất, lại càng nghèo nàn về tinh thần.

Tin cùng chuyên mục