Nhà lãnh đạo có đức, có tài

 Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo có đức độ và tài năng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Đồng chí Võ Chí Công về thăm Xí nghiệp May huyện Núi Thành năm 1992. Ảnh: TƯ LIỆU
Đồng chí Võ Chí Công về thăm Xí nghiệp May huyện Núi Thành năm 1992. Ảnh: TƯ LIỆU

Lăn lộn trong thực tiễn chiến đấu

Được rèn luyện trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, được kết nạp Đảng năm 1935, đồng chí Võ Chí Công sớm trở thành cán bộ lãnh đạo từ chi bộ, Tổng ủy, Phủ ủy, đến Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (năm 1940) và Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ (năm 1941). Đồng chí Võ Chí Công được ghi nhận có nhiều công lao trong 9 năm kháng chiến của nhân dân Nam Trung bộ, trong việc xây dựng Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng của Liên khu V.

Từ sau Hiệp định Genève, đồng chí được phân công lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Cùng lăn lộn trong thực tiễn chiến đấu, đồng chí cho rằng nếu dùng phương pháp đấu tranh hòa bình, chính trị đơn thuần thì không phù hợp. Từ đó, đồng chí đã có những ý kiến đóng góp xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương - nghị quyết đã nhanh chóng tạo nên thế tiến công, phong trào “đồng khởi” và mở ra bước ngoặt phát triển mới cho cách mạng miền Nam.

Đồng chí là một nhà lãnh đạo, là con người của thực tiễn. Không chỉ theo dõi tình hình qua báo cáo, đồng chí đã trực tiếp đến các chiến trường, nghiên cứu phong trào ở Cai Lậy (tỉnh Mỹ Tho trước đây), Châu Thành (tỉnh Bến Tre), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh)… kết hợp kinh nghiệm ở Khu V và mở hội nghị tổng kết toàn miền. Đồng chí Võ Chí Công cùng các đồng chí lãnh đạo đã đề ra phương châm đánh địch bằng “Ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận” làm thất bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào Việt Nam tiến hành chiến tranh cục bộ. Với nhiệm vụ kiêm nhiệm Bí thư và Chính ủy Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công chủ trương xây dựng vành đai nhân dân đánh Mỹ, dùng chủ lực quân khu và địa phương quân đánh phủ đầu khi chúng lấn ra chiếm đóng ở Núi Thành.

Cũng trong năm 1965, chiến thắng Vạn Tường đánh thắng cuộc ra quân tìm diệt đầu tiên của quân Mỹ đã củng cố lòng tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến trường Khu V đã đồng loạt tiến công và sau khi đạt mục tiêu, đồng chí quyết định rút quân đúng lúc, tránh được thiệt hại khi địch tổ chức phản công. 

Để tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, Khu ủy và Quân khu ủy V do đồng chí Võ Chí Công lãnh đạo đã chuyển hướng tấn công, tiến về giải phóng đồng bằng, giải phóng Đà Nẵng. Khu căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở Khu V của địch đã bị tan rã sớm hơn kế hoạch, tạo thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhạy bén với cái mới

Những năm 1980-1981, là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã trực tiếp đến các hợp tác xã nghiên cứu cách khoán và ủng hộ cách khoán mới, không để tình trạng “khoán chui”. Từ đó, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời, cho phép khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động; tiếp theo là xây dựng cơ chế quản lý trong nông nghiệp bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, đưa nông nghiệp có bước phát triển nhảy vọt với năng suất và sản lượng tăng cao, tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam “cất cánh”.

Trên cơ sở đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp được hình thành, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng ban Cải tiến cơ chế quản lý kinh tế của Trung ương. Đồng chí Võ Chí Công đã cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Bộ Chính trị quan tâm lắng nghe tình hình TPHCM, tạo điều kiện cho những quyết sách phù hợp với thực tiễn, góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta. 

Sau Đại hội VI, đồng chí Võ Chí Công giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đã chỉ đạo thực hiện đổi mới thành công hoạt động cơ quan lập pháp, sửa đổi Hiến pháp 1980 thành Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới ở nước ta. Cùng với Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội cũng đã thông qua hơn 30 bộ luật, luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công là người có tầm nhìn chiến lược, chịu khó nghiên cứu đề xuất những vấn đề lớn cho cách mạng nước ta, rất nhạy bén chính trị, nhạy bén với cái mới, rất vững vàng trước những biến động của thời cuộc. Đồng chí là một nhà lãnh đạo được quý trọng không chỉ trong kháng chiến, trong xây dựng, đổi mới phát triển đất nước mà còn là con người có phẩm chất đạo đức sáng ngời. Đồng chí là hiện thân của sự giản dị, khiêm nhường và rất ít nói về mình. Khi về hưu sinh sống tại TPHCM, đồng chí có những ngày cuối đời an vui bên con cháu. Mỗi dịp lãnh đạo TPHCM đến thăm, đồng chí Võ Chí Công luôn mỉm cười, vẫn nụ cười hồn nhiên, ấm áp và tràn đầy sự chia sẻ, động viên.

Đồng chí Võ Chí Công đã đi xa hơn 10 năm nhưng cuộc đời, sự nghiệp với những phẩm chất tốt đẹp và cống hiến của đồng chí cho đất nước vẫn luôn là dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ tiếp nối.

Tin cùng chuyên mục