Nhà hát trực tuyến: Thưởng thức âm nhạc thời công nghệ

Trong thời đại công nghệ, phương thức thưởng thức âm nhạc cũng dần thay đổi. Giờ đây, người ta chủ yếu nghe nhạc trực tuyến với định dạng số hóa. 
Ca sĩ trẻ trong một chương trình trực tuyến của Music Home
Ca sĩ trẻ trong một chương trình trực tuyến của Music Home

Trên nền tảng đó, hình thức truyền hình trực tiếp hay livestream đã được nhiều nghệ sĩ cũng như các festival âm nhạc trên thế giới thử nghiệm và thành công. Xu hướng “nhà hát trực tuyến” đã đem đến cho khán giả và nghệ sĩ nhiều cách tiếp cận hiện đại và không kém phần hấp dẫn. 

Xóa nhòa khoảng cách

Phát sóng và tương tác trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) từ lâu đã được áp dụng tại Mỹ và một số nước châu Âu. Công nghệ livestream cho phép mỗi cá nhân trở thành một đài truyền hình thu nhỏ, chỉ với thiết bị di động là có thể quay phim và kết nối mạng. Không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hình thức này đã được nhiều nghệ sĩ trên thế giới lựa chọn. Người hâm mộ có thể ngồi một chỗ theo dõi trực tiếp buổi trình diễn của thần tượng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Dần dần, với sức lan tỏa mạnh mẽ, nhờ công nghệ hỗ trợ, nhiều hoạt động nghệ thuật có quy mô quốc tế, các festival âm nhạc uy tín cũng chọn livestream để lan tỏa và đạt được lượng theo dõi lên tới hàng triệu lượt.
Tại Việt Nam, hình thức hát trực tuyến du nhập muộn hơn nhưng đã dần bắt kịp với xu thế chung của làng giải trí thế giới. Năm 2016, 15.000 khán giả đã theo dõi trực tiếp buổi ra mắt single Âm thầm bên em của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, thông qua tính năng livestream của YouTube. Liveshow Bức tường và những người bạn: Đôi bàn tay thắp lửa tại Triển lãm Giảng Võ thực hiện trên YouTube và VTVgo đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Hàn Quốc đã dùng tính năng livestream để thu hút giới trẻ Việt Nam khi hãng công nghệ Naver giới thiệu ứng dụng di động mang tên V-Live, cho phép người hâm mộ theo dõi và tương tác trực tiếp với thần tượng thông qua các buổi livestream. Nhận định về xu hướng này, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng: “Không phải lúc nào người ta cũng có thể thu xếp được thời gian hay tiền bạc để tham dự đúng show diễn của những nghệ sĩ mình yêu thích; mà không nhanh chân nhanh tay, không có quan hệ tốt chưa chắc đã mua được vé. Chưa kể đến việc các đêm nhạc cũng chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM, việc đi lại cũng là cản trở đáng kể. Hình thức mới này đã phần nào xóa nhòa giới hạn về khoảng cách, không gian, thời gian… san lấp được những thiếu hụt của thị trường biểu diễn kiểu truyền thống”.

Hướng đi của tương lai

Livestream trở thành “vũ khí” lợi hại để các ca sĩ tiếp cận khán giả, đồng thời đo lượng tương tác trực tiếp. Hình thức này vừa tạo thêm sự mới lạ cho nhu cầu thưởng thức âm nhạc, vừa trao thêm lựa chọn cho khán giả. 

Nhà hát trực tuyến thay vì livestream đơn thuần một chương trình nghệ thuật để những khán giả không mua được vé có thể xem trực tiếp qua nền tảng mạng xã hội, nay đã phát triển hơn khi được trau chuốt về chất lượng lẫn quy mô biểu diễn. Hình thức livestream biểu diễn trong khán phòng, địa danh nổi tiếng với không gian ấm cúng lại được khá nhiều ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc lựa chọn. Hà Anh Tuấn là ca sĩ mở đường cho trào lưu này với See Sing Share (năm 2017). Hiệu ứng của See Sing Share lan tỏa rất nhanh, trung bình gần 10 triệu lượt xem mỗi tập, sự kết nối giữa Hà Anh Tuấn và khán giả không ngừng tăng lên. 

Tuy nhiên, xét về quy mô và cũng thu được nhiều thành tựu trong việc áp dụng công nghệ mới vào biểu diễn chính là chuỗi chương trình Music Home, được xây dựng theo format là một chương trình âm nhạc có tiêu chuẩn âm thanh và chất lượng nghệ thuật như ở nhà hát, được đầu tư chỉn chu bởi ê kíp sản xuất chuyên nghiệp. Chương trình mang tính chất một liveshow chân dung nghệ sĩ, nhưng khác biệt ở chỗ chương trình không diễn ra ở các sân khấu lớn, các tụ điểm ca nhạc, nơi có không gian rộng rãi, mà là diễn ra ở studio, nơi chỉ có các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp có mặt. Khán giả của liveshow là khán giả gián tiếp thông qua đường truyền công nghệ. 

Khi mới ra mắt, mô hình nhà hát trực tuyến này được đón nhận dè dặt và coi là “phép thử” khi thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc Việt. Song, sau 14 số phát sóng của mùa đầu tiên, Music Home đã thu hút được hơn 25 triệu lượt xem trên 3 hạ tầng là box, mạng xã hội và xem lại. Đặc biệt, những lượt xem cao nhất thuộc về những ca sĩ trẻ như Văn Mai Hương, Phan Mạnh Quỳnh, Soobin Hoàng Sơn, Bùi Anh Tuấn. Những giọng hát nội lực như Thùy Chi, Thu Minh, Nguyên Thảo... cũng đạt được những con số ấn tượng. 

Để đạt được điều ấy, không chỉ là cách thức mới, mà theo nhạc sĩ Huy Tuấn, điều tiên quyết là phải hát live tốt. “Đây không phải điều đơn giản với đại đa số ca sĩ Việt Nam, đặc biệt là các ca sĩ trẻ hiện nay, vì nó đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc tốt cộng hưởng với bản lĩnh sân khấu trực tiếp khi khán giả có thể giao lưu, bình luận ngay với ca sĩ trong chương trình”, nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ. Nhạc sĩ Anh Quân cho biết: “Các chương trình truyền hình trực tiếp hiện nay do hạ tầng truyền hình còn hạn chế đã làm giảm đi đáng kể chất lượng âm thanh chuẩn nên thực tế nghệ sĩ chơi rất hay, ca sĩ hát tuyệt vời, nhưng đến tai khán giả truyền hình chỉ còn 1/10. Song với hình thức “nhà hát trực tuyến”, cản trở này đã giảm đi đáng kể”.

Nam ca sĩ Trọng Tấn cũng không khỏi ngỡ ngàng khi tham gia nhà hát đặc biệt này. “Nếu tổ chức liveshow trong nhà hát như Cung Hữu nghị Việt Xô hay Trung tâm Hội nghị quốc gia, thậm chí là diễn ngoài sân vận động thì số lượng khán giả chỉ lên tới vài ngàn, vài chục ngàn; song nếu áp dụng “nhà hát trực tuyến” của Music Home, ca sĩ có thể tương tác với hàng triệu khán giả cùng lúc. Đây thực sự là hướng đi của tương lai”, Trọng Tấn nhận định.

Tin cùng chuyên mục