Nhà hát Nghệ thuật Hát bội đối mặt thách thức

5 năm qua, gần 10 nghệ sĩ kỳ cựu, giỏi nghề của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM rời sàn diễn vì đến tuổi hưu, trong khi lớp trẻ bổ sung vào đội ngũ biểu diễn ít ỏi, hiếm nhân tố mới có năng khiếu, đam mê. Với nguồn nhân lực eo hẹp, trong hầu hết các vở diễn, mỗi nghệ sĩ, diễn viên buộc phải đảm nhận 2-3 vai...
Hát bội khó thu hút người trẻ theo nghề lâu dài
Hát bội khó thu hút người trẻ theo nghề lâu dài

Hụt hẫng kế thừa

Thời gian qua, lực lượng nghệ sĩ trình diễn sân khấu tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM mỗi năm cứ giảm dần, dù nhà hát vẫn có nỗ lực rất nhiều trong tổ chức đào tạo, tìm kiếm, rộng cửa chào đón lớp trẻ đầu quân về để kế thừa, thế nhưng kết quả vẫn không như ý. Hiện tại, nhà hát chỉ có 7 nhạc công và 18 nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn, trong đó có 2 nghệ sĩ sẽ đến tuổi hưu trong 2 năm tới. Lớp kế tiếp cũng đã ở độ tuổi U50, U40. Thế hệ trẻ nhất ở nhà hát thuộc hàng 9X chỉ có 4 nghệ sĩ.

Ở những vai diễn nặng ký, đòi hỏi nhiều về thể lực, một số nghệ sĩ đàn anh, đàn chị của nhà hát hiện đã không thể đảm nhận, buộc phải trao vai cho các diễn viên trẻ. Thế nhưng không thể phủ nhận việc một số nghệ sĩ trẻ vẫn chưa thể thể hiện xuất sắc những vai diễn đã tạo nên tên tuổi, dấu ấn như lớp nghệ sĩ đi trước. Khoảng trống hụt hẫng đội ngũ kế thừa, tiếp bước cứ càng ngày càng rộng thêm.

Với một vở tuồng 2-3 giờ, khi đảm nhận một vai diễn sử dụng nhiều kỹ thuật, trình thức vũ đạo, người nghệ sĩ hát bội luôn phải chịu áp lực rất lớn về thể lực, thế nên, cùng một lúc phải đảm nhận nhiều vai trong một vở diễn rất dễ bào mòn sức khỏe, tinh thần. Nghề hát bội lao lực là thế, lại phải gồng gánh thêm trách nhiệm ra sức bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị nghệ thuật trong đời sống hiện đại.

Điều đáng nói là với công sức bỏ ra như thế nhưng nhu nhập của nghệ sĩ, diễn viên lại không cao. Đó là nghịch lý tồn tại bao lâu nay, khiến không ít bạn trẻ dù có thích hát bội, có năng khiếu, cũng khó chấp nhận theo đuổi nghề đến cùng. 

Thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho hoạt động chuyên môn của nhà hát cũng đã được dự báo từ cả chục năm qua.

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc, quản lý điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, tâm tư: “Còn nhiều em thiếu nhi, thanh thiếu niên có năng khiếu hát bội, một số em là con cháu của nghệ sĩ hát bội, đang theo nghề cha truyền con nối, các em rất muốn được tham gia vào hoạt động của nhà hát nhưng không thể. Vì theo quy định, nhà hát không được ký hợp đồng lao động chuyên môn, bắt buộc người tham gia hoạt động tại nhà hát, làm việc tại nhà hát phải có bằng cấp, thi viên chức. Nhưng với những đối tượng có năng khiếu và đam mê hát bội như các em thì lại không có bằng cấp để có thể tuyển dụng vào nhà hát. Còn nhiều em đã có bằng cấp, nhưng năng khiếu hầu như lại không có. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, nhà hát không thể tổ chức đào tạo vì vướng Thông tư 36 là viên chức mới được sử dụng ngân sách nhà nước đào tạo”.

Khoảng trống truyền nghề

 Thời gian qua, để bổ sung đội ngũ, nhà hát đã xét tuyển 6 sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh (khoa Kịch hát dân tộc - cải lương) vào viên chức theo phê duyệt của Sở VH-TT TPHCM. 

Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ: “Thời gian trước, khi còn làm quản lý Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, chúng tôi đã có kế hoạch xuống các tỉnh miền Tây, tìm kiếm tuyển chọn con, em, cháu các nghệ sĩ hát bội, những nhân tố trẻ có năng khiếu đang tham gia các đoàn hát bội (hoạt động theo mùa), đem các em về nhà hát, nuôi ăn ở, đào tạo truyền nghề, để 5-7 năm sau mới có thể cho ra lò một lớp diễn viên trẻ tiềm năng. Nhưng muốn làm được như vậy thì cần có một kế hoạch bài bản, đặc biệt là có kinh phí để tập trung đầu tư đào tạo lớp trẻ cho hát bội. Điều này nói dễ, điều kiện để làm thì quá khó”.

Không chỉ vậy, những điều kiện cần thiết để một nhà hát nghệ thuật có thể phát huy được hoạt động chuyên môn, với hát bội hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Là một nhà hát nhưng sân khấu nhà hát ở rạp Thủ Đô, quận 5, TPHCM từ lâu đã không thể là nơi tổ chức biểu diễn vì quá xuống cấp, lại không có chỗ gửi xe an toàn dành cho khán giả. Không có điểm diễn ổn định, nhà hát cứ phải duy trì biểu diễn phục vụ ở các đình, miễu, lăng, sân khấu lưu động ngoài trời ở các khu dân cư, để đảm bảo thu nhập. 

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ mong mỏi: “Việc tuyển sinh viên mới tốt nghiệp là  giải pháp tình thế. Cần có sự tính toán mang tính dài hơi hơn trong công tác đào tạo chuyên ngành. Một số trường chuyên đào tạo nghệ thuật tại TPHCM, cần xây dựng một chuyên ngành đào tạo về hát bội, với sự tham gia đào tạo của những nghệ sĩ hát bội giỏi nghề. Bên cạnh đó, công tác đào tạo truyền nghề vẫn giữ vai trò quan trọng, vậy nên vẫn cần có một cơ chế đặc thù dành riêng cho công tác đào tạo truyền nghề, để thu hút lực lượng trẻ”.

Tin cùng chuyên mục