Nhà hát đạt chuẩn - Từ mơ ước đến hiện thực: Cấp thiết và minh bạch

Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM không phải mới có gần đây mà thực tế đã có chủ trương từ gần 20 năm về trước. Đến năm 2012, trong Quyết định số 3165 về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000, UBND TPHCM đã quy hoạch các khu chức năng, trong đó có Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM bên cạnh các trung tâm, bệnh viện, bảo tàng và công trình dân sinh... 

Dự án gần 20 năm

Về chủ trương, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM, cho biết từ năm 1999, thành phố đã có chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.

Đầu tiên, dự án được dự kiến xây dựng tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, tuy nhiên nơi này không phù hợp vì quá nhỏ. Địa điểm xây nhà hát sau đó được dời sang Công viên 23 Tháng 9, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành.

Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM: Tổng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của TPHCM là 171.895,758 tỷ đồng.

Trong đó, đầu tư xây trường học là 22.094,841 tỷ đồng; đầu tư xây bệnh viện là 12.538,591 tỷ đồng; tổng đầu tư cho giáo dục và y tế là 34.633,433 tỷ đồng; dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM là hơn 1.500 tỷ đồng (chiếm 4% trong tổng kinh phí xây trường học, bệnh viện ở thành phố trong 5 năm qua). 

Khi đó, thành phố có mời một đơn vị của Đức sang tư vấn. Các chuyên gia cho rằng, địa điểm không phù hợp với loại hình nghệ thuật này vì quá ồn ào, mặt khác sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch công viên và mảng xanh của thành phố nên dự án tiếp tục hoãn, chuyển về Khu đô thị Thủ Thiêm.

Cũng cần nói thêm, trong Quyết định số 3165 về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 ngày 19-6-2012, UBND TPHCM đã quy hoạch các khu chức năng; không gian thiết kế cảnh quan và kiến trúc đô thị; trong đó có trung tâm hội nghị triển lãm, công viên bờ sông, trung tâm tài chính, nhà bảo tàng, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM, trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, bệnh viện và các công trình dân sinh khác.

Nhà hát đạt chuẩn - Từ mơ ước đến hiện thực: Cấp thiết và minh bạch ảnh 1 Chương trình “Nước non ngàn dặm” của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch TPHCM 
                                                 trình diễn tại Nhà hát thành phố .  Ảnh: THÚY BÌNH
Tiếp đó vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 2631 phê duyệt quy hoạch TPHCM đến năm 2025, trong đó đầu tư 7 công trình văn hóa trọng điểm của TPHCM ưu tiên thực hiện và Chính phủ cho phép đầu tư từ ngân sách.

Về dự án xây dựng nhà hát, thành phố cũng đã chuẩn bị trước nguồn vốn cho việc xây dựng từ việc bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn. Mặt khác, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, dự án xây dựng nhà hát thuộc giai đoạn I, lẽ ra phải hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015, nhưng như đã nói ở trên, một lần nữa dự án phải chuyển về Khu đô thị Thủ Thiêm.

Như vậy đến nay, việc xây dựng nhà hát đã trễ so với chủ trương của Chính phủ. Sở VH-TT cho biết thêm, nếu không “vướng” báo cáo đánh giá tác động môi trường từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì Sở VH-TT đã trình UBND TPHCM từ kỳ họp tháng 7.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, chia sẻ với báo chí xung quanh kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua: “Tại kỳ họp vừa rồi, HĐND đã đánh giá, rà soát lại việc thực hiện toàn bộ các chương trình đề án theo Nghị quyết 54 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), trong đó có dự án nhà hát thuộc nhóm A (vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng do HĐND quyết định) chứ không chỉ có lấy ý kiến về dự án nhà há. UBND trình HĐND thông qua dự án xây nhà hát trong thời điểm này bởi vì thành phố đã sẵn sàng hội đủ 4 yếu tố: đất, vốn (tiền bán khu đất 23 Lê Duẩn), ý tưởng (đã nghiên cứu, tham khảo ở các nước), đã có đội ngũ nghệ sĩ tài năng và cơ sở vật chất ban đầu là dàn nhạc”.

“Dự án được thông qua mới chỉ là bước đầu, còn lại là một quá trình khá dài. Hoàn thành một hồ sơ dự án phải chặt chẽ, từ hồ sơ, thủ tục đến quy trình thực hiện, và theo đó, trong thời gian nhanh nhất thì phải đến 4-5 năm nữa mới hoàn thiện nhà hát”, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, chia sẻ.

Tránh vết xe đổ 

Một vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay là triển khai thực hiện dự án như thế nào; kiểm tra, giám sát quá trình việc thực hiện để tránh lặp lại vết xe đổ như tình trạng Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang.

Sau khi xây mới hoàn toàn với kinh phí hơn 132 tỷ đồng, chất lượng thi công kém với nhiều lỗi thiết kế, không phù hợp với nhu cầu của một sàn diễn cải lương chuyên nghiệp, đến nay Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô tổ chức và dựng vở, gây nhiều bức xúc trong nghệ sĩ và dư luận suốt thời gian qua.

Để tránh vết xe đổ này, theo ông Huỳnh Thanh Nhân, sắp tới đây thành phố sẽ tổ chức thi tuyển, chọn đơn vị tư vấn thiết kế dự án, nhiều khả năng là đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài.

Trong quá trình thực hiện, sẽ tăng cường việc kiểm tra giám sát trong toàn bộ các khâu. Tất cả sẽ được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và theo quy định pháp luật. Sớm nhất, phải đến cuối năm 2020 mới có thể hoàn thành các khâu này, sau đó mới khởi công.

Đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình (Sở VH-TT TPHCM) sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trước lãnh đạo và người dân thành phố.

Theo Giám đốc Sở VH-TT, thời gian qua, sở hết sức cầu thị và lắng nghe những ý kiến đóng góp của người dân, của giới văn nghệ sĩ. “Văn hóa phát triển một cách có nền tảng, vững chắc và lâu bền, cũng là yếu tố để phát triển đất nước, phát triển thành phố. Việc xây dựng những thiết chế văn hóa đúng chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu giao lưu văn hóa quốc tế, cũng là tạo động lực để đất nước nói chung, TPHCM nói riêng phát triển bền vững”, ông Huỳnh Thanh Nhân bày tỏ.

Có ý kiến cho rằng, đầu tư cả ngàn tỷ đồng cho xây dựng nhà hát hiện nay là quá nhiều. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Các lãnh đạo ở Bộ VH-TT-DL than thở, không ít dự án giao thông, kinh tế được nhanh chóng triển khai, còn với các dự án đầu tư cho văn hóa - thể thao hầu hết các tỉnh thành không mấy mặn mà, có nơi còn “ngó lơ”, kêu gọi xã hội hóa.

Do vậy, dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM là cấp thiết ở thời điểm này, sau 43 năm thống nhất đất nước, nhất là khi các thiết chế văn hóa tại TPHCM đã xuống cấp trầm trọng.

Tiến trình dự án

- Năm 1999: TPHCM chủ trương cho phép xây dựng nhà hát ở số 23 Lê Duẩn, quận 1.

- Năm 2004: bàn giao và triển khai thiết kế nhà hát ở số 23 Lê Duẩn.

- Năm 2009: dự án nhà hát chuyển về Công viên 23-9. Thành phố mời một ê kíp của Đức làm tư vấn thiết kế.

- Giai đoạn 2010 - 2012: Vẫn giữ dự án ở Công viên 23-9 nhưng thành phố đã có quy hoạch không gian dự án nhà hát tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

- Năm 2012: UBND TPHCM phê duyệt dự án tại Công viên 23-9 với quy mô hơn 1ha, gồm 2 khán phòng với tổng số chỗ ngồi là 1.700.

- Tháng 10-2016: Chuyển dự án nhà hát từ Công viên 23-9 về Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, giữ nguyên quy mô hơn 1ha và thiết kế như ở Công viên 23-9.

- Tháng 5-2017: UBND TPHCM bán khu đất 23 Lê Duẩn với giá 1.430 tỷ đồng để lấy kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng nhà hát.

- Tháng 1-2018: Sở VH-TT gửi công văn đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính sớm nghiên cứu bố trí tạm ứng kinh phí để triển khai lập thiết kế và tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc.

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch TPHCM:
Nhà hát mới phục vụ cho tất cả các bộ môn nghệ thuật
Khi có nhà hát mới, chúng tôi sẽ không phải đi thuê mặt bằng biểu diễn lên đến 35 triệu đồng/ngày (chạy chương trình buổi sáng và diễn vào buổi tối), không phải thuê sàn tập cho múa, bớt di chuyển nhạc cụ, tránh sự hao hư không đáng có.
Khi đầu tư dàn dựng chương trình có thể biểu diễn nhiều suất, tận dụng hiệu quả sự đầu tư phục trang, cảnh trí, nhân lực…
Nhà hát mới khi được xây dựng hoàn thiện sẽ không chỉ dùng cho giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch mà còn để cho các loại hình nghệ thuật khác vào biểu diễn, như: cải lương, hát bội, âm nhạc dân tộc, múa dân gian dân tộc, xiếc, rối…
Tất cả loại hình nghệ thuật hiện có tại TPHCM đều có thể hoạt động tổ chức biểu diễn tại nhà hát mới, cùng khai thác một sân khấu đủ tầm, đủ chuẩn, hiện đại, quy mô, đáp ứng tốt cho sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ. Nhà hát mới chính là bệ phóng cho các bộ môn nghệ thuật của thành phố được thăng hoa, được tôn vinh, không chỉ của riêng chúng tôi.
Độc giả Thanh Đan (TP Vũng Tàu):
Mong nhà hát đạt chuẩn và đáp ứng hoạt động tổ chức nghệ thuật
Tôi rất hay cùng gia đình đi xe từ Vũng Tàu về TPHCM xem chương trình biểu diễn của HBSO. Khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM, tôi đã đến Nhà hát thành phố xem vở Giấc mộng đêm hè và thích loại hình nghệ thuật này.
Tôi cũng cảm nhận một điều rằng, nhà hát này quá bé so với quy mô của TPHCM. Hiện tại thành phố chưa hề có một nhà hát nào xứng tầm với quy mô phát triển của thành phố. Nhiều người dân nhầm tưởng vào một nhà hát chỉ để nghe nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc đỉnh cao.
Thật sự không phải vậy, các loại hình nghệ thuật khác vẫn có thể tổ chức biểu diễn trong cùng một nhà hát. Đặc biệt, với những người nghệ sĩ đang làm nghề, họ đã bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết để phát huy những giá trị nghệ thuật trong đời sống xã hội.
Bên cạnh những tác phẩm nước ngoài, vẫn có rất nhiều tác phẩm Việt Nam được thăng hoa trong các chương trình biểu diễn.
Điều quan trọng với việc xây nhà hát tại TPHCM hiện nay là công trình khi hoàn thành có xứng với số kinh phí đã chi hay không; có đúng giá trị, đủ chuẩn đáp ứng hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện đại hay không? 

Tin cùng chuyên mục