Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang: Khó khăn bủa vây

Ngày 30-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang về tình hình hoạt động của nhà hát từ năm 2015 đến nay, phương hướng thực hiện đến năm 2020, những thuận lợi, khó khăn, đề xuất và kiến nghị của nhà hát. 
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đã báo cáo về tình hình thực tiễn của nhà hát: Tuy có cơ ngơi mới - rạp Hưng Đạo, nhưng cơ sở vật chất này không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong hoạt động tổ chức biểu diễn của nhà hát như sân khấu quá nhỏ, máy móc kỹ thuật chưa sử dụng đã hư hỏng, trong đó có bản điều khiển ánh sáng, loa, thiết bị lưu điện UPS… bị hư đã đem đi sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa sửa xong; hệ thống báo cháy tự động thường xảy ra báo động giả; hệ thống màn hình quảng cáo thường xuyên gặp sự cố kỹ thuật; bàn nâng sân khấu sai kỹ thuật nên không dùng được, thang cuốn bị rung lắc, bộ điều khiển thang máy thường gặp sự cố…
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang: Khó khăn bủa vây ảnh 1 Rạp Hưng Đạo được giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức hoạt động biểu diễn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Về nhân lực, nhà hát thiếu nhân sự kế nhiệm, thiếu hụt nguồn diễn viên, nhạc công, các tác giả, đạo diễn; lương diễn viên bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, có diễn viên chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng/tháng, buộc anh em phải chạy show để kiếm sống, giữ nghề, việc này khiến công tác dựng vở gặp nhiều khó khăn.
Nhà hát chỉ có 97 biên chế theo quy định, không thể nhận thêm, kinh phí đầu tư dựng vở diễn quá thấp so với các đơn vị sân khấu nghệ thuật ở Hà Nội… 
Tuy nhiên, nhà hát vẫn phải từng bước thích ứng với cơ sở vật chất hiện tại, nỗ lực sáng đèn tối cuối tuần. Nhưng, với thiết chế văn hóa yếu kém như thế, rất khó giúp những người làm nghệ thuật phát huy được những ý tưởng lớn, xây dựng vở diễn quy mô, đẳng cấp, mang dấu ấn văn hóa đặc sản, đặc trưng của sân khấu TPHCM.  

Tin cùng chuyên mục