Nhà báo Lý Nhân: Nói có sách mách có chứng

Nhà báo Lý Nhân (sinh năm 1936) đang hoàn thành cuốn sách về anh hùng Phạm Ngọc Thảo với tựa Sống đảo chính, Chết anh hùng. Để hoàn thành cuốn sách này, tác giả Lý Nhân vừa là nhân chứng sống cùng thời, vừa gặp trực tiếp người trong cuộc và thông qua sách báo từng viết về anh hùng Phạm Ngọc Thảo.
Nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh
Nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh

Năm 2018, nhà báo Lý Nhân đã có chuyến đi Mỹ gặp gỡ một số nhân chứng và tìm được thêm tài liệu để viết về nhân vật. Sau chuyến đi này, ông đã nhận được thư tay của bà Phan Thị Nhiệm, vợ của anh hùng Phạm Ngọc Thảo, với nội dung rất kỳ vọng cuốn sách sẽ được in trong năm 2019. Bà viết: “Rất mừng vì một chiến hữu của chồng tôi còn sống và khỏe mạnh”.

Anh hùng Phạm Ngọc Thảo từng được tiểu thuyết hóa thành nhân vật Nguyễn Thành Luân của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (tức nhà báo Trần Bạch Đằng) và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên Ván bài lật ngửa do nghệ sĩ Lê Hoàng Hoa đạo diễn, cuốn hút người xem một thời.

Anh hùng Phạm Ngọc Thảo trong tiểu thuyết và phim có khác gì với nhân vật trong sách sắp tới của tác giả Lý Nhân, đó là điều mong chờ của người đọc. 

Nhà báo Lý Nhân tên thật Phan Kim Thịnh, sinh tại tỉnh Hà Nam. Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào Nam. Sau khi học xong trung học vào năm 1959, ông chọn nghề báo và sống với nghề cho đến nay. 

Nhiều người hoạt động văn nghệ tại miền Nam trước 1975 biết Báo Quê hương do ông Ngô Đình Nhu chủ trương. Lý Nhân làm Báo Quê hương với chân thư ký quèn, ngồi trực để nhận bài, rồi đem bài giao cho nhà in.Ngoài ra, ông còn tiếp khách đến đưa bài và trả tiền nhuận bút cho các tác giả. Ở đây, ông được gặp nhiều nhân vật như Phạm Xuân Ẩn (làm ở Việt tấn xã và Hãng thông tấn Reuters), Trần Đại Minh (làm ở Hãng thông tấn AFP)... Khi ở Báo Quê hương, mọi người không nghi ngờ nhau là người đối lập hay cộng sản.

“Với anh Phạm Xuân Ẩn, đôi lúc anh em đùa nói: anh Ẩn là dân Mỹ, là người của Mỹ, vì anh Ẩn nói hay viết cái gì bọn Mỹ cũng tin và đánh giá cao”, nhà báo Lý Nhân kể. Báo Quê hương còn có sự cộng tác của Nguyễn Phan Châu (tức Tạ Chí Diệp), Vũ Hạnh, Sơn Nam, Nguyễn Nguyên (Nguyễn Ngọc Lương)… 

Năm 1962, Báo Quê hương giải tán, Phan Kim Thịnh chạy giấy phép ra tờ tạp chí Văn học làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Nhà báo Lý Nhân nhớ lại: “Nhiều số Văn học theo chủ đề về các văn nghệ sĩ miền Bắc đã bị tịch thu, với nội dung họ ghi trong giấy mời là truy tố ra tòa án về cái tội: Tuyên truyền và đề cao các văn nghệ sĩ cộng sản miền Bắc”.

Có thể nói, nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh là chứng nhân của một thời kỳ khi ông trực tiếp chứng kiến nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận khi đó. Trước năm 1975, những vụ tòa án xử các vụ như xử chém đầu tướng Ba Cụt, xử bắn Ngô Đình Cẩn…, ông đều tới chứng kiến, chụp ảnh, ghi âm để làm tư liệu khi cần. Đó là lý do khiến sau này ông có những tư liệu sống động để viết nên những bài báo và những cuốn sách mà bạn đọc biết đến.

Chính trường miền Nam một thời, những “đệ nhất, đệ nhị” phu nhân với các câu chuyện hậu trường luôn hấp dẫn người đọc. Nhà báo Lý Nhân cũng có những cuốn sách về Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại, về Trần Lệ Xuân - vợ ông Ngô Đình Nhu và ông đang chuẩn bị in 2 cuốn về bà Nguyễn Thị Mai Anh - vợ ông Nguyễn Văn Thiệu và bà Đặng Tuyết Mai - vợ cũ ông Nguyễn Cao Kỳ.   

Nhà báo Lý Nhân cho biết: “Cách nay hơn 10 năm, bà Đặng Tuyết Mai về Sài Gòn mở quán Phở Ta trên đường Lê Quý Đôn. Tôi có rủ bạn đến ăn, bà Mai biết tôi đã mời tôi nói chuyện viết hồi ký cho bà. Tôi trả lời rằng, nếu có viết sẽ viết theo nhận định của tôi về bà Mai thông qua những gì tôi biết, vì xưa nay tôi không viết theo “toa đặt hàng” của bất kỳ nhân vật nào để kiếm danh hay kiếm tiền”.

Chính vì luôn giữ mình ở tư thế không viết theo các “toa đặt hàng” của các nhân vật, mà luôn đứng ở tư thế nhân chứng hoặc đi tìm trong tài liệu sách báo và gặp gỡ trực tiếp người trong cuộc, nên rất nhiều cuốn sách đứng tên Lý Nhân - Phan Kim Thịnh có một giá trị tin cậy trong dòng chảy bất tận của thời gian.

Tin cùng chuyên mục