Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ trăn trở sau khi nghỉ hưu

“Bao nhiêu sức lực, trí tuệ tôi đều dốc ra làm, không chểnh mảng và bỏ qua bất cứ vấn đề gì mà tôi cho rằng có ích. Nhưng hỏi rằng tôi đã làm hết chưa thì tôi khẳng định là chưa làm được hết. Cũng vì thế, tôi cũng cảm thấy rất trăn trở và có lỗi trước một số tồn tại, hạn chế”, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ với PV Báo SGGP sau khi nhận quyết định nghỉ hưu vào sáng nay (14-1).

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ảnh: KIỀU PHONG
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ảnh: KIỀU PHONG

Tâm đắc vì giải quyết nhiều vấn đề sát sườn của dân

- PV: Nhìn lại công việc sau khi nhận quyết định về hưu, điều gì để lại nhiều ấn tượng và tâm đắc nhất, đặc biệt trên cương vị Chủ tịch HĐND TPHCM, thưa đồng chí?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Khi tôi làm Chủ tịch HĐND TPHCM thì đã được thừa hưởng nhiều kết quả hoạt động của HĐND TP trước đó, tạo nền tảng cho hoạt động của mình. Đây là những điều kiện thuận lợi, giúp hoạt động của HĐND TP càng ngày đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng phần nào nguyện vọng, ý chí của người dân TP cũng như sự phát triển của TP.

Có thể nói rằng, hơn 7 năm làm Chủ tịch HĐND TP, tôi cùng với tập thể Thường trực HĐND TP và các Đại biểu HĐND TP đã có nhiều quyết định hợp lòng dân và đóng góp cho sự phát triển của TP.

Chính vì lắng nghe ý kiến người dân, sát với thực tiễn và nắm chắc yêu cầu phát triển của TP nên mỗi nhiệm kỳ của HĐND TP có trên dưới 20 kỳ họp. Trong đó, mỗi năm có 4-5 kỳ họp, thay vì chỉ 2 kỳ họp như thường lệ. HĐND TP đã tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề nhằm giải quyết những vấn đề mà TP còn đang vướng, người dân còn đang bức xúc hoặc chưa hài lòng.

Kỳ họp đầu tiên để lại cho tôi nhiều dấu ấn, vì những khó khăn trong việc chuẩn bị nội dung của kỳ họp. Đó là kỳ họp vào năm 2012, bàn về việc giải quyết dự án chậm triển khai, mà theo cách nói thông thường là “dự án treo”.

Kỳ họp đã ban hành Nghị quyết 16, bàn về 3 vấn đề lớn, sát sườn với đời sống người dân thành phố. HĐND TP đặt ra yêu cầu đối với UBND TP khi thu hồi đất để phục vụ phát triển thì phải quan tâm ổn định cuộc sống người dân, gồm cả về chỗ ở, công ăn việc làm, trường học cho con em người dân… Đồng thời việc bồi thường phải đúng quy định pháp luật, lắng nghe ý kiến của người dân.

Một vấn đề khác mà tôi cũng tâm đắc là việc HĐND TP yêu cầu rà soát lại quy hoạch, để tính lộ trình, nguồn lực triển khai (và thông báo cụ thể cho người dân); điều chỉnh lại cho sát với thực tế hoặc hủy bỏ các quy hoạch không khả thi. Sau này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có cách làm sáng tạo, là công khai quy hoạch trực tuyến.

Về giải quyết dự án treo cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Sau một thời gian triển khai nghị quyết của HĐND TP, đến nay có gần 700 dự án đã bị thu hồi do chậm triển khai để hủy bỏ (đối với dự án không khả thi) hoặc tìm kiếm nhà đầu tư khác đủ năng lực tiếp tục thực hiện (đối với những trường hợp cần phải giữ lại).

Việc thực hiện các nghị quyết này không phải diễn ra trong một sớm, một chiều. Do đó, HĐND TP giám sát liên tục và đến nay đã tương đối có hiệu quả. Việc HĐND TP tiếp tục giám sát và công khai để người dân cùng giám sát thì tôi tin rằng nghị quyết này có sức sống và giúp TP tiết kiệm được nguồn lực đất đai, góp phần cho sự phát triển của TP và đảm bảo cuộc sống bền vững cho người dân.

Một vấn đề khác là việc giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân. Qua các buổi khảo sát, tôi thấy rất xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều người dân của TP, sau mấy chục năm thống nhất mà không có nước sạch để sử dụng.

Sau khi tranh luận về chất lượng nước, TP đã thống nhất lấy mẫu ngẫu nhiên theo từng khu vực để kiểm định. Kết quả thật sự bất ngờ khi chỉ hơn 3% (từ kết quả khảo sát của 7 khu vực) mẫu nước mà người dân sử dụng đạt tiêu chuẩn. Số còn lại có nhiều chỉ số ô nhiễm cao, rất đáng lo ngại.

Từ đó, HĐND TP có nghị quyết và tập trung giám sát thì sau khoảng 2 năm, TP đã cơ bản giải quyết, cung cấp nước sạch đến 100% hộ dân trên toàn TP.

Cùng đó là việc HĐND TP đã tập trung giám sát công tác cải cách hành chính. Kết quả đến nay đã có tiến bộ, thủ tục được công khai minh bạch hơn, đặc biệt thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức đã thay đổi theo hướng tích cực hơn nhiều.

Tương tự, sau hơn 1 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề của HĐND TP về môi trường, tại nhiều khu vực, địa bàn dân cư đã khang trang, sạch đẹp hơn.

Điều tôi vẫn tiếp tục mong muốn là làm sao mỗi người dân thay đổi nhận thức để thay đổi hành vi và góp phần xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại.

Hoặc HĐND TP đặt ra yêu cầu 100% ý kiến của người dân, khiếu nại của người phải được giải quyết và trả lời. HĐND TP hiện đang tập trung giám sát về nội dung này.

Đó là những vấn đề mà tôi tâm đắc. Trong từng nghị quyết của HĐND TP đều có sự kết tinh trí tuệ và ý chí của người dân, với sự lắng nghe, chia sẻ của HĐND TP. Tôi tin rằng những kết quả này sẽ tiếp tiếp tục phát huy và có hiệu quả cao hơn.

“Không chỉ là trăn trở, tôi thấy mình còn lỗi”

- Vậy những điều gì còn khiến đồng chí trăn trở, băn khoăn?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Nói là trăn trở không thì tôi thấy là chưa đủ, vì tôi thấy có lỗi của mình trong một số tồn tại, hạn chế của TP trong thời gian qua. Tôi không thấy ân hận hay hối tiếc là thời gian qua tôi đã cố gắng hết sức mình.

Bao nhiêu sức lực, trí tuệ tôi đều dốc ra làm, không chểnh mảng và bỏ qua bất cứ vấn đề gì mà tôi cho rằng có ích. Nhưng hỏi rằng tôi đã làm hết được chưa thì tôi khẳng định là chưa. Cũng vì thế, tôi cũng cảm thấy rất trăn trở và có lỗi.

Gần đây, TP có nhiều vấn đề phát sinh làm người dân lo lắng. Điều này sẽ không phủ định được những thành tựu to lớn của TP đã đạt được, nhưng rõ ràng ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của lãnh đạo. Tất nhiên ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng và nhân dân. Song, để xảy ra những hạn chế này là có trách nhiệm của tôi trong đó.

Mặc khác, trước bức xúc của người dân về Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, về một số dự án ở Bình Chánh…, trong 12 việc lớn mà người dân đang khiếu nại, hỏi có trách nhiệm của HĐND TP không? Có, và có trách nhiệm của cá nhân tôi trong đó. Trách nhiệm không thôi là chưa đủ, mà tôi còn thấy có lỗi với người dân.

Thực tế không phải mọi quyết định trong các việc đó là sai, nhưng vấn đề là có những quyết định đúng đắn cũng chưa được cung cấp đầy đủ cho người dân. Mặt khác, có những quyết định sai thì không được thừa nhận rõ ràng, minh bạch, gây ra sự lẫn lộn giữa đúng - sai. Điều này cũng làm người dân bức xúc và công việc chậm trễ.

Một số việc dù biết, nhưng sự giám sát của HĐND TP đã không bao quát được hết. Ví dụ, quyết định đầu tư quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là đúng đắn, mang lại lợi ích cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên, việc thực thi không trọn vẹn, đầy đủ và các lớp cán bộ sau này thực thi có những cái chưa hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và TP đang tập trung quyết liệt sửa sai. Nhưng sửa sai và có lỗi, rồi nhận lỗi là 2 việc khác nhau, đều cần phải được thực hiện một cách thực tâm.

Nêu ra các vấn đề trên, tôi cũng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP càng đoàn kết, tập trung trí tuệ hơn, có nhiều sáng kiến sáng tạo hơn, giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn để giải quyết khó khăn vướng mắc đó.

- Đối với các vấn đề của người dân, nhất là ở quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân lo lắng về sự quan tâm giải quyết những kiến nghị, mong muốn của họ. Đồng chí chia sẻ về những cam kết trong việc lắng nghe, giải quyết các ý kiến, phản ánh của cử tri, người dân TP nói chung và người dân Thủ Thiêm nói riêng?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, tôi sẽ không tham gia trong lãnh đạo của TP nữa thì tiếng nói trực tiếp trong ban lãnh đạo, nhất là trong Ban Thường vụ Thành ủy không còn.

Trước đây, sau mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, tôi đều phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc họp của Thường trực Thành ủy, trong Ban Thường vụ Thành ủy. Qua đó, tôi cũng đưa ra các đề nghị, như UBND TP cần đối thoại với người dân, giám đốc các sở - ngành cùng tôi trực tiếp tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của người dân…

Hiện nay thì tôi sẽ không thực hiện những việc như thế. Nhưng tôi cũng khẳng định để cử tri yên tâm rằng, theo quy định, khi tiếp nhận ý kiến của cử tri thì đại biểu phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp đại biểu nhận thấy kết quả giải quyết không thỏa đáng thì có quyền yêu cầu các cơ quan đó giải trình, giải thích.

Thực tế, quyền hạn này đã được quy định nhưng việc áp dụng còn hạn chế. Khi tôi còn làm Chủ tịch HĐND TP, tôi có lưu ý với các đại biểu về hạn chế này và đề nghị khắc phục, nhằm chuyển tải, giải quyết hiệu quả các ý kiến của cử tri.

Bằng kinh nghiệm hoạt động trong thời gian qua, cùng mối quan hệ tốt đẹp với các sở - ngành, mặc dù tôi có “khuyết” một phần (không trực tiếp chuyển tải ý kiến cử tri trong các cuộc họp), nhưng bù lại, tôi có nhiều thời gian hơn và vẫn chuyển tải ý kiến của cử tri đến đúng địa chỉ.

Tôi nghĩ rằng, cử tri TP không phải lo lắng về điều đó. Tôi cũng tin rằng, người kế nhiệm tôi cũng sẽ làm tốt hơn tôi.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ trăn trở sau khi nghỉ hưu ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao quyết định nghỉ hưu cho đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Đồng chí có thể chia sẻ về người kế nhiệm?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Về thông tin này tôi chưa thể nói được điều gì, nhưng tôi nghĩ sẽ sớm được công bố thôi.

- Thời gian qua, dư luận cũng có nhiều bình luận trái chiều về các phát ngôn của đồng chí. Đồng chí có thể chia sẻ về những suy nghĩ của mình, cũng như cách “vượt qua” những nhận xét này?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Tôi luôn rèn giũa cho mình cách suy nghĩ tích cực, không được suy nghĩ tiêu cực. Tôi có đọc một cuốn sách, đại ý người ta nói rằng cần phải có suy nghĩ tích cực, cùng một sự việc nhưng phải có cách nhìn tích cực.

Đối với những điều dư luận có ý kiến trái chiều, có khi người nghe không cảm nhận được điều mình mong muốn chuyển tải. Do không hiểu được ý mình nói, dẫn đến người nghe suy diễn hoặc cũng có thể có người không thích mình, người ta muốn phá mình, thậm chí có trường hợp suy diễn và bóp méo vấn đề nhằm chia rẽ lãnh đạo với nhân dân.

Trong các trường hợp này, điều đầu tiên là tôi tự rọi lại, kiểm lại xem mình nói đúng, làm đúng chưa. Tôi kiểm tra lại rất kỹ, nếu chưa chắc chắn thì tham khảo thêm những người tin cậy cao xem nhận định của họ như nào. Khi mình chắc chắn mình làm là đúng rồi thì sẽ thấy nhẹ nhàng, không bị áp lực nữa.

Trường hợp tôi không đúng thì tôi sẽ sửa. Khi có kế hoạch sửa sai rồi thì tôi cũng nhẹ nhàng, không tối ngày nghĩ đến nó nữa, để thời gian làm việc khác. Điều tôi rút ra là phải biết sắp xếp giải quyết việc đó tốt nhất, để không bị vướng vào nó nhiều.

Hàng ngày tôi vẫn tham khảo các thông tin trên mạng, dù có những thông tin không đúng tôi vẫn xem điều gì đang diễn ra. Qua đó thấy điều gì cần suy nghĩ thì suy nghĩ và đưa ra giải pháp, còn điều gì không cần suy nghĩ tới thì không quan tâm.

Tôi phải tập tính đó để làm việc, nếu không thì không còn đầu óc sáng suốt để làm việc. Thực tế không phải ai cũng làm được, nên tôi cũng tự hào về điều này.

Ngay cả chỗ “là hồng phúc của dân tộc”, nếu bây giờ lặp lại, tôi vẫn phát biểu như thế. Nhưng câu chữ, ý nghĩa cần được hiểu rõ, tránh bị cắt xén một cách có chủ ý.

Dân tộc mình có một lớp con em cán bộ biết hy sinh quyền lợi cá nhân mình, phấn đấu giữ gìn rèn luyện, kế tục xây dựng đất nước đó. Đó là hạnh phúc.

Bản thân tôi là con lãnh đạo (con gái của nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh - PV). Tôi đã phải học tập, làm việc, rèn luyện và hạn chế biết bao nhu cầu cá nhân để trưởng thành. Không phải một mình tôi đã làm như thế, mà biết bao thế hệ con cái lãnh đạo đã không ngừng rèn luyện trưởng thành.

Trường hợp con em lãnh đạo nào sai, đề bạt không minh bạch thì phải xử lý và xử lý thật nghiêm. Điều đó phải tách bạch.

Tôi cho rằng phải triệt tiêu những người không xứng đáng, lấy danh công thần nhưng không phấn đấu giữ gìn truyền thống hoặc con em một số lãnh đạo sau khi được đề bạt chỉ lo cho cá nhân, không lo cho đất nước.

Còn những trường hợp luôn có ý thức rèn giũa để kế tục xứng đáng truyền thống của cha anh, được đề bạt một cách minh bạch, công khai, được tập thể tín nhiệm thì đó là hạnh phúc.

- Xin cám ơn đồng chí!

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ chuyện bếp núc

Một số người có thắc mắc “chị nhiều việc mà lúc nào cũng thấy chị nhẹ nhàng”. Đối với tôi, mọi việc phải có kế hoạch, lộ trình đàng hoàng. Tôi có thói quen cuối ngày bao giờ cũng rà lại công việc của mình trong ngày và chuẩn bị cho công việc của ngày hôm sau.

Ai cũng nghĩ tôi không quan tâm gia đình, chắc gia đình thiệt thòi. Nhưng thực tế thì không. Trong một ngày, sớm hay muộn gì tôi cũng dành ít nhất 15-20 phút nói chuyện với các con và ông xã, không ngày nào không có.

Nhà tôi không nhất định phải ăn cơm chung. Ai về trước nấu cơm trước, đói thì cứ ăn trước, nhưng phải dành thời gian cho nhau, hỏi han, chia sẻ công việc, chuyện học hành… trong ngày.

Tôi dành thời gian rất nhiều để chia sẻ với con mình, để giải thích những vấn đề con chưa thông. Tôi vẫn đưa con, đưa cháu nội đi chơi những lúc nào có thể được. Tôi về Tây Ninh ít nhất 1 lần/tháng để thăm má.

Vì sao tôi làm được như vậy?

Tôi có đội ngũ cộng sự và biết bố trí công việc. Tôi có niềm tin, đã cộng tác là đã tin và giao việc thì không can thiệp mà chia sẻ với nhau để anh em làm.

Nhiều khi tôi nói vui, anh em làm chứ tôi có làm gì đâu. Tôi chỉ sắp đặt công việc, đưa ra kế hoạch và ý tưởng thôi. Mà ý tưởng cũng từ anh em, tôi luôn nghe anh em, động viên sự sáng tạo của anh em để bắt nhịp và khơi tạo không khí sáng tạo.

Tôi cũng cho cơ chế, nếu thấy khó, thấy không yên tâm thì trao đổi với tôi. Còn nếu thấy yên tâm rồi thì cứ làm. Song, tôi vẫn quan sát để khi có sai sót, sơ hở gì thì góp ý chứ không làm thay. Như thế thì tự nhiên tôi khỏe thôi.

Có lần tôi bị bác cử tri rầy quá trời, vì lúc bác gọi thì tôi đang nấu cơm. Bỏ nghe điện thoại thì nồi thịt đang kho sẽ cháy nên tôi nói: “Dì ơi, một chút nữa con nấu xong sẽ gọi lại cho dì". Sau đó, tại một cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đã bị cử tri này rầy và phản ánh: "Tôi gọi cho cô mà cô nói mắc nấu cơm không trả lời tôi".

Tôi thấy việc này cũng là bình thường, vì bà con bức xúc nên rầy vậy thôi. Nhưng tôi có hạnh phúc là không bị giận, vì sau khi tiếp xúc, dù cử tri có gay gắt thì sau khi tiếp xúc xong, cử tri nhắn tin vào máy tôi, đại ý nói rằng: “Vừa nãy tôi bức xúc quá nói hơi nặng lời, cô Tâm thông cảm nha, tôi bức xúc quá, xin lỗi cô Tâm".

Cử tri, người dân bức xúc nên tôi thấy rằng phải cố gắng lắng nghe để họ chia sẻ, thậm chí nói ra giận dữ cũng không sao cả.

Tin cùng chuyên mục