Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung LNG

Tình trạng khai thác dần sụt giảm, cộng với hạ tầng yếu kém khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong thời gian tới, nếu không có giải pháp để gia tăng nhập khẩu.  
Trạm phân phối khí tại KCN Hiệp Phước. Ảnh: CAO THĂNG
Trạm phân phối khí tại KCN Hiệp Phước. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm nguồn cung trong nước

Theo Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng thị trường khí đốt hóa lỏng (LPG) trong 5 năm gần đây luôn đạt trên 12%. Về cơ cấu tiêu thụ, ngành công nghiệp và giao thông chiếm 35%; 65% còn lại thuộc về các cơ sở thương mại, dịch vụ và tiêu thụ dân dụng. Trong khi đó, về cơ cấu nguồn cung, hiện trong nước đáp ứng 45% và 55% là nguồn nhập khẩu.

Về hệ thống thương nhân kinh doanh LPG, hiện cả nước có 2 đơn vị sản xuất, chế biến là Nhà máy GPP Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; 32 thương nhân kinh doanh được cấp chứng nhận đủ điều kiện; trên 80 thương nhân kinh doanh LPG có nhãn hiệu trên thị trường và khoảng 13.000 cửa hàng kinh doanh LPG trên toàn quốc. Về hệ thống cơ sở vật chất kinh doanh LPG, hiện có 1 kho chứa dung tích 60.000 tấn tại TP Vũng Tàu; 50 kho chứa tổng dung tích 220.000m3 của các công ty kinh doanh LPG và 35 cầu cảng được sử dụng để nhập LPG; gần 200 trạm nạp đủ điều kiện hoạt động…

“Nhìn chung, hiện nay cấu trúc thị trường khí Việt Nam đang ổn định và vận hành tốt, đảm bảo mục tiêu kiểm soát và điều tiết của Chính phủ”, đại diện Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, về thực trạng LNG, trong 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng trên 12%. Trong khi đó, theo phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, trong thời gian tới nguồn cung trong nước sẽ dần giảm, nhất là nguồn cung LNG phục vụ sản xuất điện sẽ phải nhập khẩu. Bởi hiện nay sản lượng khí khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khoảng 10 tỷ m3/năm và đang có dấu hiệu giảm dần. Còn theo cơ cấu nguồn điện đến năm 2050 thì điện than sẽ giảm, còn các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sinh khối…) mới trong giai đoạn đầu phát triển và chưa có đóng góp nhiều cho phụ tải. Vì vậy, việc phát triển điện LNG là xu thế tất yếu và rất cần thiết.

Chưa kể, hiện Việt Nam nhập khẩu LNG chủ yếu từ Trung Quốc, Quata, Ả rập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất qua đường biển. Trong khi hệ thống cầu cảng hiện có công suất nhỏ, khả năng đón các tàu tải trọng lớn rất khó khiến chi phí nhập khẩu tăng cao. Do đó, việc tìm nguồn bổ sung trong nước và xây dựng cơ sở hạ tầng để thuận tiện cho việc nhập khẩu LNG là cần thiết.

Khuyến khích nguồn khí nhập khẩu 

°Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2035, phần mục tiêu phát triển nói rõ: 

Về nhập khẩu, phân phối LNG: Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng tiếp nhận, nhập khẩu LNG với mục tiêu cho từng giai đoạn, gồm giai đoạn 2021-2025 đạt 1 - 4 tỷ m3/năm; giai đoạn 2026 - 2035 đạt 6 - 10 tỷ m3/năm. 

Tiếp tục phát triển thị trường điện là thị trường trọng tâm tiêu thụ khí (bao gồm LNG nhập khẩu) với tỷ trọng 70% - 80% tổng sản lượng khí, đáp ứng nguồn nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất điện.

° Còn theo quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG đến năm 2020, có tổng công suất 9.000MW, sản xuất 44 tỷ kWh điện, chiếm 16,6% sản lượng điện sản xuất; năm 2025, tổng công suất khoảng 15.000MW, sản xuất 76 tỷ kWh điện, chiếm 19% sản lượng điện sản xuất; năm 2030, tổng công suất khoảng 19.000MW, sản xuất khoảng 96 tỷ kWh điện, chiếm 16,8% sản lượng điện sản xuất.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, để đảm bảo nguồn cung khí cho các nhà máy điện, đạm và hộ tiêu thụ công nghiệp... ngoài việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn khí trong nước, việc cấp thiết là bổ sung nguồn khí nhập khẩu là giải pháp cấp bách. Do vậy, cần thiết phải phát triển hạ tầng để nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, trước mắt Việt Nam cần có quy hoạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư và áp dụng linh hoạt hình thức vay vốn cho các dự án phát triển ngành công nghiệp khí; cần có cơ chế, chính sách sách thuế suất (đặc biệt là chính sách giá khí) hợp lý để triển khai dự án nhập khẩu LNG và kinh doanh phân phối. 

“Để nhập khẩu LNG phục vụ phát điện, trước hết cần có quy hoạch tổng thể, các quy định chi tiết về hệ thống hạ tầng kho chứa, cầu cảng, nhà máy điện khí… để có giải pháp đầu tư đồng bộ, hiệu quả”, ông Bùi Thành Trung, cán bộ cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đề nghị.

Đồng tình quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, Nhà nước cần sớm có quy hoạch phát triển điện khí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó tính toán, đưa ra số liệu càng chi tiết càng tốt về nhu cầu phụ tải điện LNG để có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu phù hợp. Đồng thời, bên cạnh những nhà máy đang có, quy hoạch cần xác định địa điểm đặt các nhà máy mới đảm bảo đồng thời hiệu quả phát, cung ứng điện và chi phí nhiên liệu đầu vào là LNG liên quan, như hệ thống kho, cảng, đường ống… đồng bộ.

“Bởi nếu không có quy định cụ thể thì rất khó thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Song song đó, yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào điện LNG là giá nhiên liệu và giá bán điện”, ông Trần Viết Ngãi nói.

Tin cùng chuyên mục