Nguy cơ tại biên giới

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Di cư quốc tế, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Văn phòng Nhân quyền LHQ ngày 31-3 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh các quyền và sức khỏe của người tị nạn, người di cư và người không quốc tịch cần phải được bảo vệ trước đại dịch Covid-19, vì họ có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Các cơ quan của LHQ lưu ý, có tới 3/4 người tị nạn trên thế giới và nhiều người di cư đang tạm trú ở các nước đang phát triển, nơi có hệ thống y tế đã quá tải và không có đủ năng lực. Trong số này, người di cư và tị nạn sống dọc biên giới Thái Lan - Myanmar hiện đang gặp phải thử thách lớn, không chỉ là nỗi sợ lây lan virus, mà còn từ các biện pháp cứng rắn của chính phủ các nước này hòng ngăn chặn bệnh dịch.

Việc đóng cửa biên giới, theo sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp, có nghĩa là hàng ngàn công nhân nhập cư đang mất việc. Tại Mae Sot, khu vực biên giới giữa Thái Lan và Myanmar, các biện pháp phòng ngừa chính như giãn cách xã hội và rửa tay trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là ở các khu vực khó tiếp cận trong cộng đồng người tị nạn và người di cư. Bên cạnh lối sống của các cộng đồng này, thì việc thiếu khả năng tiếp cận thông tin cũng là một thách thức lớn. Báo Bangkok Post dẫn lời của bác sĩ Marieke Bierhoff, một bác sĩ đến từ Hà Lan chuyên về nội khoa và các bệnh truyền nhiễm, hiện đang làm việc tại Đơn vị nghiên cứu sốt rét Shoklo, cho biết: “Ở Mae Sot, không phải ai cũng có máy tính để truy cập Internet nên làm việc tại nhà không phải lúc nào cũng khả thi. Bên cạnh đó, phần lớn người ở đây là nông dân nên không thể làm việc tại nhà”. Điều này có nghĩa là, nếu không được làm việc, họ sẽ không có thu nhập, không nhận thực phẩm nào trong ngày hôm đó cho gia đình. Họ buộc phải cân nhắc giữa nguy cơ tử vong từ Covid-19 và nguy cơ tử vong vì đói.

Thế nhưng, không phải ai cũng còn việc để làm. Những ngày này, hàng ngàn người Myanmar ở Thái Lan đã tháo chạy đến biên giới và chờ đợi hàng giờ để trở về Myanmar. Dường như họ không nhận được thông tin nào về cách ly xã hội hoặc tự cách ly trước khi họ rời đi hoặc đang quá cảnh và họ cũng không có hiểu biết gì về các triệu chứng, cách lây truyền hay phương thức phòng chống dịch. Theo ông Braham Press, Giám đốc Chương trình hỗ trợ người di cư (MAP) ở Thái Lan, phần lớn người di cư không muốn đến bệnh viện trừ khi nguy kịch, ngay cả khi họ có bảo hiểm y tế. Bên cạnh việc thiếu hụt khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn, thì rào cản ngôn ngữ cũng là một vấn đề lớn đối với người di cư tại biên giới.

Di cư an toàn phải được tạo điều kiện với các biện pháp phòng ngừa sức khỏe tại chỗ, nếu không điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Không chỉ ở biên giới Thái Lan - Myanmar, công nhân ở biên giới với Lào và Campuchia cùng chung hoàn cảnh và gần như không được ai quan tâm. Người di cư và những người không quốc tịch được xem là nhóm người có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn rất nhiều, tuy nhiên, trong các chính sách chống dịch Covid-19 của không ít quốc gia, người di cư luôn là những người cuối cùng nhận được hỗ trợ. Nhưng khi nói đến một thứ như bệnh truyền nhiễm, nếu không quan tâm đến các hoạt động của người di cư, các mục tiêu kiểm soát dịch bệnh có thể thất bại.

Tin cùng chuyên mục