Nguy cơ mất tiền do nhà thầu giải thể

Nhiều chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã cho các nhà thầu tạm ứng hàng tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện dự án xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, do quản lý không chặt nên có nhà thầu “treo” dự án nhiều năm, thậm chí có nhà thầu đã giải thể hoặc phá sản…, khiến cho tiền ngân sách có nguy cơ bị mất. 
Công ty Tây Đô “treo” nợ tạm ứng của dự án xây dựng Trung tâm Y tế huyện U Minh
Công ty Tây Đô “treo” nợ tạm ứng của dự án xây dựng Trung tâm Y tế huyện U Minh

Theo hồ sơ, năm 2010, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện U Minh (nay là Trung tâm Y tế huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng Tây Đô (gọi tắt Công ty Tây Đô) trúng thầu thi công hạng mục xây dựng khoa Ngoại - Khu chẩn đoán hình ảnh (gói thầu số 10) và hạng mục khoa Đông y - liên chuyên khoa - khoa Sản (gói thầu số 11).

Sau khi thương thảo và ký hợp đồng, chủ đầu tư đã cho Công ty Tây Đô tạm ứng tiền thi công. Trong quá trình thực hiện, Công ty Tây Đô nhiều lần vi phạm tiến độ nên bị chấm dứt hợp đồng và được yêu cầu trả số tiền tạm ứng còn lại của 2 hợp đồng thi công là 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này chây ì, không hoàn trả. Khi Ban Quản lý dự án (QLDA) xây dựng huyện U Minh đấu thầu tìm nhà thầu thi công các hạng mục còn lại thì phát sinh chênh lệch giá là hơn 6,4 tỷ đồng.  

Trước thiệt hại trên, UBND huyện U Minh ủy quyền cho Ban QLDA xây dựng huyện tiến hành khởi kiện Công ty Tây Đô ra tòa án. Tại bản án số 2 ngày 30-9-2014 của TAND huyện U Minh, Công ty Tây Đô phải thanh toán cho Ban QLDA xây dựng huyện U Minh tổng số tiền 10,2 tỷ đồng (bao gồm phần tạm ứng còn lại và phần xử phạt hành chính, trượt giá). Nhưng từ khi bản án có hiệu lực đến nay vẫn chưa thi hành được. 

Cũng liên quan đến Công ty Tây Đô, năm 2009, công ty này trúng thầu công trình xây dựng mương thoát nước tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và tạm ứng trên 4,3 tỷ đồng (gần 50% giá trị hợp đồng) để thi công. Do thi công chậm tiến độ nên đến tháng 7-2015, UBND huyện Trần Văn Thời chấm dứt hợp đồng và thu hồi được 1,7 tỷ đồng tạm ứng; còn lại 2,6 tỷ đồng đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Hiện tại, vẫn còn nhiều huyện và các sở, ngành của tỉnh Cà Mau bị nhà thầu “nợ” tạm ứng tiền xây dựng cơ bản kéo dài hàng chục năm, nhưng chưa thu hồi được. Điển hình là tại Sở GD-ĐT còn nhiều khoản tạm ứng tồn đọng như: dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thực hiện năm 2007, nhưng đến nay vẫn còn nợ tạm ứng trên 181 triệu đồng; dự án Xây dựng sân trường, sửa chữa dãy thực nghiệm, dãy ký túc xá của Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Cà Mau (do trường làm chủ đầu tư), thực hiện năm 2010, vẫn còn bị nhà thầu “treo” trên 634 triệu đồng. 

Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau, tính đến cuối tháng 2-2022, số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các dự án thuộc tỉnh quản lý là trên 743 tỷ đồng; trong đó số dư tạm ứng quá hạn gần 42 tỷ đồng (số dư tạm ứng quá hạn do nhà thầu phá sản, chủ đầu tư giải thể trên 9 tỷ đồng).

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm trong việc cho tạm ứng và quản lý, thu hồi tạm ứng vốn theo đúng quy định. Chủ đầu tư cần tính toán mức tạm ứng hợp lý cho từng gói thầu, quản lý chặt chẽ việc nhà thầu sử dụng số tiền tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng; đồng thời yêu cầu bảo lãnh tạm ứng vốn đầu tư theo quy định. Ngoài ra, lập danh sách các nhà thầu có số dư tạm ứng quá hạn gửi Kho bạc Nhà nước để dừng thanh toán cho các nhà thầu có phát sinh giao dịch đến khi hoàn thành việc lập thủ tục hoàn tạm ứng…

Qua giám sát việc điều hành ngân sách địa phương; quản lý, sử dụng các nguồn vốn sự nghiệp; việc mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn…, HĐND tỉnh Cà Mau kiến nghị chấn chỉnh việc các cơ quan, đơn vị, thanh quyết toán các dự án đã hoàn thành theo quy định; UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, hướng dẫn các đơn vị, xử lý tất toán các khoản còn tồn đọng nợ tạm ứng, chưa quyết toán khi dự án hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục