Nguy cơ mafia “nhúng tay” các dự án phục hồi kinh tế Italy

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, cảnh sát Italy đã lên tiếng cảnh báo các băng đảng tội phạm đang nhắm tới lĩnh vực y tế và các dự án hạ tầng do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính tại quốc gia vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 để kiếm lời.
 Khách du lịch vắng bóng tại Italy vì dịch Covid-19
Khách du lịch vắng bóng tại Italy vì dịch Covid-19

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội Italy, lực lượng cảnh sát điều tra chống băng đảng tội phạm của Italy (DIA) cho biết các công ty trong chuỗi cung ứng dịch vụ y tế có thể nhận được những khoản đầu tư lớn từ tội phạm. Mục tiêu tiềm năng mà các băng đảng nhắm tới là các dự án xây dựng, cải tạo bệnh viện, sản xuất và cung cấp thiết bị y tế, xử lý rác thải bệnh viện, dịch vụ vệ sinh và tang lễ. Cảnh sát cho biết nhiều khả năng băng đảng tội phạm sẽ tìm cách “vươn vòi bạch tuộc” vào các kênh tài chính mới, vốn được thiết lập nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa kinh tế Italy. Các dự án này có liên quan đến số tiền hơn 200 tỷ EUR (243 tỷ USD) mà Italy dự kiến sẽ được nhận từ Quỹ phục hồi hậu Covid-19 trong giai đoạn 2021-2026.

Một số băng đảng có tổ chức của Italy như Ndrangheta tại Calabria và Cosa Nostra tại Sicily đã từng thâm nhập vào các dự án hạ tầng công lớn, thông qua các mối quan hệ chính trị. Trong báo cáo, DIA cũng lưu ý rằng hai băng đảng này đã lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị do đại dịch Covid-19 để thôn tính những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Theo đó, chúng sẽ chiếm đoạt các doanh nghiệp nhỏ sau khi cung cấp hỗ trợ ban đầu cho chính công ty này. Hình thức được băng nhóm mafia thực hiện đa phần là đưa ra lời đề nghị với các công ty gặp khó khăn về mặt phúc lợi xã hội thay thế cho các thể chế ở khu vực công và tư, nhưng sau đó áp dụng hành vi đe dọa truyền thống nhằm giành quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế của họ. Báo cáo của DIA chỉ ra trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm ngoái, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ bị tội phạm nuốt chửng, trở thành công cụ để rửa tiền, xoay vòng và tái đầu tư nguồn vốn bất hợp pháp. 

Chúng cũng dụ dỗ người nghèo bằng cách viện trợ thực phẩm, đề xuất việc làm trong chợ đen cho những người thất nghiệp do khủng hoảng để lôi kéo vào các công việc phi pháp. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Italy đã sụt giảm gần 9%, mức giảm sâu nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Ước tính gần 450.000 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, lao động trẻ và lao động tự do đã bị mất việc làm. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các băng đảng tội phạm khai thác, mua chuộc, đe dọa những lao động mất việc làm, biến họ thành các công cụ giúp chúng thực hiện các thương vụ “bẩn”… 

Trước tình hình này, DIA kêu gọi hết sức cảnh giác với các công ty tham gia đấu thầu cho các dự án y tế công. Việc công ty đổi chủ, thay đổi cơ cấu hay trụ sở văn phòng có thể là những dấu hiệu cho thấy đã có sự thâm nhập của các băng đảng. Do đó, việc đơn giản hóa thủ tục đấu thầu để giảm thiểu nguy cơ trì hoãn các dự án do EU tài trợ nên được giám sát kỹ lưỡng.

Tin cùng chuyên mục