Nguy cơ lớn với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu chững lại cùng với việc các khoản vay trở nên đắt hơn khiến các doanh nghiệp tư nhân lâm vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy. Các chuyên gia cho rằng, nếu không mau chóng có các giải pháp tốt, điều này sẽ dẫn tới nguy cơ lớn gây sụp đổ các doanh nghiệp tư nhân, kéo theo làn sóng thất nghiệp.
Các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thu hút hàng trăm triệu lao động. Ảnh: CNN
Các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thu hút hàng trăm triệu lao động. Ảnh: CNN

Trầm trọng hơn dự kiến 

Theo các nhà phân tích kinh tế Nga thuộc Tập đoàn tài chính quốc tế Tele Trade, nền kinh tế Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu tiếp tục chững lại dưới tác động của những nỗ lực giảm nợ công quá mức, cũng như của việc xung đột thương mại với Mỹ leo thang. Theo Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, trong tháng 7-2018, mức tăng sản lượng công nghiệp Trung Quốc tương đương với tăng trưởng 6% năm, bằng mức tăng trưởng công nghiệp tháng 6. Trong khi các nhà phân tích độc lập được hãng tin Reuters phỏng vấn đã dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình sẽ là 6,3%. Doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 8,8%. Trong khi các nhà phân tích đã dự đoán tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ là 9,1%, sau mức tăng 9% trong tháng 6. Đầu tư vào tài sản cố định trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 tăng 5,5%, so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây là tốc độ tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định thấp nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1999. Trong khi, theo dự báo, tốc độ tăng trưởng đầu tư phải là 6%.

Tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng lên 5,1%, từ mức 4,8% của tháng 6. Có thể nói là nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà, trong khi Bắc Kinh tiếp tục chuẩn bị cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ. Vừa qua, để hóa giải những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, Chính phủ Trung Quốc hứa sẽ nới lỏng tín dụng cho các công ty nhỏ và hỗ trợ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, để các biện pháp này bắt đầu có hiệu quả, sẽ phải mất nhiều thời gian. Những dữ liệu của phát triển kinh tế hiện nay, cùng với sự suy giảm trong tăng trưởng tín dụng sẽ làm tăng áp lực đối với chính phủ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Có thể họ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, để duy trì tăng trưởng kinh tế, hãng Bloomberg nhận định.

Ngoài ra, chi tiêu của các doanh nghiệp nhà nước cũng tăng ở mức tối thiểu kể từ năm 2004. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục, vì chính phủ tăng cường kiểm soát các công ty nhà nước như một phần của những nỗ lực liên tục, được thực hiện nhằm làm chậm sự tăng trưởng của nợ công quốc gia. Tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 7 tháng đầu năm 2018 đã giảm xuống còn 5,7%. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2014. Trong các tháng từ tháng 1 đến tháng 6, tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng là 7,3%. Theo những tính toán của Reuters, các khoản đầu tư vào bất động sản trong tháng 7 tăng 13,2% tính theo kỳ hạn năm. Kể từ tháng 10-2016, đây là mức tăng trưởng cao nhất, sau khi tăng 8,4% trong tháng 6.

Theo các chuyên gia Tập đoàn Tele Trade, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn. Nhưng đồng thời, họ cảnh báo rằng, đối với kinh tế Trung Quốc, các mối đe dọa từ bên ngoài đã tăng lên. Điều này dẫn đến rủi ro tổng thể là tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi. Trong năm nay, IMF dự kiến, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% so với mức tăng trưởng GDP 6,9% năm 2017. Bình luận về những số liệu này, bà Anastasia Ignatenko - chuyên viên phân tích hàng đầu của Tập đoàn TeleTrade, nhận xét: “Cả 3 chỉ số (doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư) ở Trung Quốc đều thấp hơn so với dự báo tháng 7, trong khi tỷ lệ tăng đầu tư vào tài sản cố định đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm. Điều này cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu mất đà. Trong điều kiện cuộc xung đột thương mại với Mỹ leo thang, nền kinh tế Trung Quốc có thể đang đứng trước nguy cơ suy thoái trầm trọng hơn so với dự kiến trước đó”.

Hiệu ứng domino

Trang tin Epoch Times ngày 5-9 dẫn bản báo cáo của Học viện Kinh doanh Trường Giang (CKGSB) Trung Quốc, công bố cho thấy chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của các công ty tư nhân Trung Quốc tháng 7 đã giảm từ 55,6% xuống còn 49,8%, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. CKGSB là cơ cấu giáo dục độc lập phi lợi nhuận uy tín, được Quỹ Lý Gia Thành tài trợ, được Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn thành lập năm 2002, là thành viên của Hiệp hội Giáo dục quản lý quốc tế (AACSB) và Quỹ Phát triển quản lý châu Âu.

Theo bản báo cáo này, các chỉ số để xem xét BCI được tạo nên bởi chỉ số tiền đồ tiêu thụ, lợi nhuận, huy động vốn và chỉ số dự trữ sản phẩm của doanh nghiệp. BCI lấy 50 làm điểm phân giới, trên 50 thể hiện sự cải thiện, dưới 50 thể hiện sự xấu đi. Tháng 8 vừa qua, cả 4 chỉ số đều xuất hiện sự sa sút. Giáo sư Lý Vỹ của CKGSB nhận xét, các chỉ số về dự trữ sản phẩm và môi trường huy động vốn tháng này đều thấp hơn 50, thể hiện tình trạng dự trữ đang xấu đi, chỉ số môi trường huy động vốn chỉ đạt 27,3; phá vỡ kỷ lục thấp nhất trong lịch sử, tức tình trạng huy động vốn đã ở mức cực kỳ tồi tệ.

Giáo sư kinh tế Dương Bân ở Đại học Thanh Hoa nhận định: “Làn sóng sụp đổ đã xuất hiện, không còn nghi ngờ gì nữa, các loại chỉ tiêu đều không ổn, rất nhiều xí nghiệp đã đóng cửa, rút khỏi thương trường!”. Ông Dương Bân tỏ ra bi quan khi cho rằng, tạo nên làn sóng sụp đổ này có nguyên nhân quan trọng là hầu như mọi chính sách đều gây bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân nên “vấn đề hiện nay không phải là có xuất hiện làn sóng sụp đổ hay không, mà là làn sóng đó có ngày càng mạnh không mà thôi”.

Cùng chung nhận định, giáo sư Tạ Điền ở Học viện Aiken trực thuộc Đại học South Carolina nói, tình trạng kinh doanh này không chỉ ở các xí nghiệp tư nhân mà là xu thế của tất cả các loại xí nghiệp Trung Quốc. Tới đây, khi ông Donald Trump thực hiện biện pháp tăng thuế quan với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ thì các công ty xuất khẩu Trung Quốc còn chịu những đòn đánh mạnh hơn nữa. “Các công ty nước ngoài sẽ đẩy nhanh việc rút khỏi thị trường Trung Quốc, các xí nghiệp gia công liên quan đến những công ty xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, tương lai của các xí nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực tam giác Trường Giang và Châu Giang sống nhờ vào việc lắp ráp hàng xuất sang Mỹ càng thêm bi đát”. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh Đại học Chiết Giang Lý Chí Văn cho biết, tình trạng sa sút toàn diện đã diễn ra hơn 2 năm nay, thể hiện toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đang co lại. Ông cho rằng: “Đã đến mức thấp nhất trong lịch sử hay chưa thì hiện rất khó nói, nhưng nếu tiếp tục giảm thì nguy cơ doanh nghiệp sụp đổ kéo theo làn sóng thất nghiệp. Thực ra, những người am hiểu về kinh tế đã nhận thấy điều này từ 3 năm trước, đó là việc sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm. Hiện nay số lượng sinh viên không tìm được việc làm nhiều không đếm xuể”.

Số liệu thống kê tháng 7 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cũng thể hiện: Tháng 5-2018 có 372.698 xí nghiệp công nghiệp cả nước có giá trị sản lượng 20 triệu NDT/năm, trong khi tháng 5-2017 là 378,959 (tức là trong vòng 1 năm đã có 6.261 xí nghiệp biến mất). Trong số này có 4.130 xí nghiệp luyện kim, gia công tạo hình và khai khoáng; 2.131 xí nghiệp hóa chất, dệt may, chế biến thực phẩm và đóng giày. Báo cáo nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc cho thấy các công ty tư nhân đóng góp hơn 60% GDP cho Trung Quốc và giải quyết 80% việc làm ở các xí nghiệp ở đô thị, thu hút hơn 70% nhân lực di chuyển khỏi nông thôn và thu nhận 90% vị trí làm việc mới tăng. Tính đến cuối năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã thu hút hơn 300 triệu lao động, trong đó loại nghề về giao thông vận tải, thông tin, bán hàng, ẩm thực, giáo dục, dịch vụ công cộng là nhiều nhất, lên tới 230 triệu lao động (chiếm 74,2%).

Tin cùng chuyên mục