Nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc

Theo hãng tin Sputnik của Nga, hàng loạt vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại về hệ thống tài chính và đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 của quốc gia này.
Các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở nhiều địa phương làm gia tăng nợ công tại Trung Quốc
Các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở nhiều địa phương làm gia tăng nợ công tại Trung Quốc

Nợ ẩn

Sputnik cho rằng, sau khi vượt qua nhiều hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, một mối đe dọa mới đang xuất hiện ở Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, 25 công ty Trung Quốc đã vỡ nợ khoảng 10 tỷ USD trái phiếu. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử thị trường Trung Quốc, món nợ đã tăng lên 121% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đồng thời, hơn một nửa số nợ (5,6 tỷ USD) là từ các doanh nghiệp nhà nước. Đây là những đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch.

Trước đó, Viện Brookings của Mỹ dự báo đến năm 2028, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế. Việc nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bị đóng cửa do Covid-19 đã giúp Bắc Kinh trở thành quốc gia nhận FDI lớn nhất thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vượt qua Mỹ về số lượng công ty lớn nhất toàn cầu. Cụ thể, trong 500 công ty lớn nhất toàn cầu, có 124 công ty Trung Quốc và 121 công ty Mỹ.Ngoài ra, Mỹ đã mất vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) về tay Trung Quốc.

Các nhà kinh tế kết luận, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hơn 2 năm so với ước tính trước đó. Nhưng, mặt trái của những thành tựu đó là khoản nợ ẩn khổng lồ. Ngay từ năm 2019, IMF đã cảnh báo về mối nguy này. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, ngay sau khi Bắc Kinh lên vị trí hàng đầu, điều đó sẽ gây ra khủng hoảng nợ toàn cầu dẫn đến sự sụp đổ tương đương với cuộc khủng hoảng năm 2008.
Động thái từ Chính phủ Trung Quốc

Theo The Diplomat, trong một thông báo mới, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và Bộ Tài chính nhấn mạnh, các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm không được làm tăng các khoản nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương. Điều này có nghĩa, các công ty đầu tư của chính quyền địa phương sẽ phải giảm các khoản nợ hiện có. CBIRC cũng ban hành một tài liệu riêng cung cấp hướng dẫn về giảm thiểu rủi ro nợ của chính quyền địa phương. Tính đến tháng 5-2021, nợ chính quyền địa phương của cả Trung Quốc là 27 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,16 ngàn tỷ USD). Một số nợ được phát hành bằng trái phiếu. Một trong những vấn đề chính đối với nợ chính quyền địa phương là họ đang gánh nợ mới để trả nợ cũ thay vì đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng mới. Điều này là do cần phải có một thời gian dài trước khi các dự án cơ sở hạ tầng có thể sinh lời. 

Chính phủ Trung Quốc gần đây cam kết kiềm chế tăng trưởng tín dụng, giảm bong bóng bất động sản và cắt hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty kém hiệu quả. Nước này đã và đang giảm tập trung vào việc đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng nóng. Mục tiêu mới nhất của kế hoạch 5 năm là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2035. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP trung bình hàng năm sẽ được duy trì ở mức 4,5% trong giai đoạn 2022-2035 chứ không phải mức 8,6% như dự báo trong năm 2021. 

Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra các ưu tiên xác định trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, bao gồm cải thiện khung đánh giá an toàn vĩ mô và tăng cường giám sát các thể chế, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng, tránh đầu tư ồ ạt, dàn trải. Trung Quốc cũng đang đề ra mục tiêu đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu giúp tăng dự trữ ngoại hối và giảm nợ nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục