Nguy cơ gia tăng bệnh tay chân miệng

Các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM đang ghi nhận số bệnh nhi mắc tay chân miệng gia tăng. Trong đó, số trẻ nhập viện tình trạng nặng phải thở máy cũng gia tăng đáng ngại. Những trường hợp này đang được cấp cứu, theo dõi tích cực, kiểm soát những biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. 
BS CK2 Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi tay chân miệng
BS CK2 Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi tay chân miệng

Chủ quan 

Chị Hồ Thị Thùy Giang, 23 tuổi, quê Tiền Giang, tất bật thay tã, rồi tỉ mẩn đút từng muỗng sữa cho bé T.G.H. (20 tháng tuổi). Gương mặt chưa hết lo âu, chị cho biết bé H. vừa đi nhà trẻ được 1 tháng, thấy con bắt đầu nổi phát ban ở lòng bàn tay nhưng nghĩ bé bị muỗi đốt hoặc do thời tiết nắng nóng nên chị không đưa con đi khám, chỉ tắm rửa và cho bé uống nhiều nước. Đến khi bé bị sốt, kém ăn, quấy khóc, phát ban lan ra diện rộng trên tay và lòng bàn chân, chị Giang mới đưa con đến BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang khám. Sau đó, bé H. được chuyển đến BV Nhi đồng 1, TPHCM cấp cứu. 

Còn bé Tr. (6 tuổi, ngụ Hóc Môn), cách đây 2 năm đã mắc bệnh tay chân miệng, phải nhập viện cấp cứu. Vài ngày trước, trong lúc ăn cơm và uống sữa bé bị nôn ói, niêm mạc miệng, bàn tay và chân đều có phát ban. Gia đình nghĩ ngay đến bệnh tay chân miệng, tuy nhiên do chủ quan vì đã có kinh nghiệm chăm sóc cháu ở lần bệnh trước nên gia đình không lo lắng, chỉ cho bé nghỉ học, ở nhà tự điều trị và theo dõi. Bé Tr. càng nôn ói nhiều, mệt, sốt, gia đình mới hớt hải đưa bé đến BV.

Cũng đang được theo dõi tại phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, TPHCM, bé H.T.H.T. (3 tuổi, ngụ Bình Phước) được chẩn đoán mắc tay chân miệng ở thể nặng. Theo chị Võ Thị Thủy (mẹ bé T.), 10 ngày trước, bé có triệu chứng sốt, nổi ban trong miệng; nghĩ con bị nhiệt miệng nên chị không đưa đi BV mà chỉ ở nhà điều trị, cho uống nước mát theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên 3 ngày sau, bé bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, tay chân nhức, nổi mụn nhiều ở miệng, không ăn được, chỉ uống sữa, chị mới đưa con đến BV Nhi đồng 2. Các bác sĩ cho biết bé T. bị tay chân miệng ở thể nặng, phải điều trị cấp cứu.

Trẻ nhập viện tăng mỗi tuần

BV Nhi đồng 2 đang điều trị cho 15 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 1 trường hợp nặng đang được theo dõi tích cực. Phần lớn các ca bệnh được chuyển viện đến từ các BV tuyến tỉnh, tập trung tại Long An, Bình Phước. BV Nhi đồng 1 cũng đang điều trị cho 18 tường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp ở độ 3 (trẻ có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng), 3 trường hợp độ 2b, còn lại các trẻ đều ở giai đoạn bệnh 2a.

“Sự gia tăng về số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt là số lượng các trường hợp tay chân miệng mức độ nặng rất đáng lo ngại và cần được cảnh báo trong giai đoạn học sinh đã trở lại trường như hiện nay”, BS CK2 Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 khuyến cáo. 

Còn tại BV Nhi đồng Thành phố, từ đầu tháng 3-2021 đến nay, số bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng về số lượng lẫn bệnh nhân nặng. Đến nay tại khoa Nhiễm đã tiếp nhận 14 trường hợp, trước đó, trong tháng 2, mỗi tuần có 4 - 5 ca. Hiện, 3 bệnh nhi phải điều trị thở máy, sử dụng thuốc và điều trị tích cực. 

BS CK2 Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Thành phố, nhận định, dù bệnh tay chân miệng chưa có đột biến so với những năm trước, nhưng dự báo số ca bệnh sẽ còn tăng thời gian tới, nhất là ở môi trường học đường. Thông thường, hàng năm có 2 thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát, là tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12. Đây là những tháng trẻ đi học nên nguy cơ lây lan nhiều hơn, trẻ mắc bệnh cũng nhiều hơn. Bệnh tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Hiện, bệnh chưa có vaccine nên các phụ huynh cần phòng tránh bằng cách tăng cường bảo đảm vệ sinh cho trẻ. “Nếu không điều trị kịp thời và phù hợp, trẻ có thể mắc các di chứng não, di chứng về thần kinh nặng nề”, BS Nam nói.

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất ở gia đình và tại các cơ sở giáo dục, nơi tập trung đông trẻ, theo BS Nguyễn Trần Nam là luôn giữ bàn tay sạch và đồ chơi sạch. Cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giấc và giữ gìn nhà cửa thông thoáng. Một số biểu hiện thường gặp của bệnh tay chân miệng là sốt, tùy từng bé sẽ có mức độ sốt nặng, nhẹ khác nhau. Lưu ý, trường hợp trẻ sốt cao, nếu uống thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả, đây là biểu hiện bệnh khá nghiêm trọng. Tình trạng trên cũng gây ra một vài triệu chứng khác như trẻ hay bị giật mình khi ngủ, khi đang chơi bình thường. Ngoài ra, dấu hiệu bệnh tay chân miệng đặc trưng nhất là da rát đỏ, xuất hiện nhiều mụn nước ở họng, lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc quanh miệng… Khi có các dấu hiệu trên, phụ huynh nên đưa con tới BV điều trị càng sớm càng tốt.

Tin cùng chuyên mục