Nguy cơ đợt dịch Covid-19 bùng phát vào mùa hè

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 14,9 triệu người, cao hơn gấp nhiều lần số ca tử vong do các nước thông báo.
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang khi lưu thông trên đường để phòng chống dịch Covid-19 dù không còn bắt buộc
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang khi lưu thông trên đường để phòng chống dịch Covid-19 dù không còn bắt buộc

Cần cải thiện hệ thống y tế 

Theo báo cáo, 84% số ca tử vong do dịch Covid-19 được ghi nhận tại Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ. Các nước có thu nhập cao chiếm 15% số ca tử vong, nước thu nhập trung bình cao chiếm 28%, nước thu nhập trung bình thấp hơn chiếm 53% và các nước có thu nhập thấp chiếm 4%. 57% số ca tử vong là nam giới.

Thống kê của WHO dựa trên tỷ lệ tử vong quá mức, bao gồm tử vong liên quan trực tiếp và gián tiếp (không thể tiếp cận điều trị vì hệ thống y tế bị quá tải do khủng hoảng) đến Covid-19. WHO cho biết những ước tính mới này sử dụng dữ liệu tốt nhất hiện có, được tạo ra bằng cách sử dụng phương pháp luận chặt chẽ và cách tiếp cận hoàn toàn minh bạch.

Tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021 được các nước trên thế giới thông báo cho WHO là 5,42 triệu ca. WHO cho rằng số ca tử vong trên thực tế cao hơn nhiều so với con số được ghi nhận, vì thời điểm dịch bùng phát mạnh, hệ thống y tế quá tải, rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 không được điều trị. Từ thực tế trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, các nước cần đầu tư hệ thống y tế nhiều hơn để duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản trong các cuộc khủng hoảng, bao gồm cải thiện hệ thống thông tin y tế mạnh hơn.

Theo trang thống kê worldometers, tính đến ngày 6-5, thế giới ghi nhận tổng cộng 515,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 6,2 triệu ca tử vong. Số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm ở khu vực châu Á, Nam Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, số ca mắc mới đang gia tăng ở Mỹ, Ấn Độ, Brazil. Riêng châu Phi, tỷ lệ mắc mới và tử vong lại tăng lần lượt ở mức 24% và 6%. 

Biến thể Delta chưa biến mất 

Báo cáo của WHO được đưa ra vào thời điểm xuất hiện cảnh báo về nguy cơ có một đợt dịch Covid-19 khác trong mùa hè này. Một nghiên cứu được thực hiện ở Israel cho thấy các dòng phụ của biến thể Omicron có thể tự tiêu diệt trong vài tháng tới, nhưng biến thể Delta hoặc một biến thể khác của virus SARS-CoV-2 có thể làm bùng phát một đợt dịch mới. Nghiên cứu của Đại học Ben-Gurion (Israel) cho thấy, biến thể Omicron chưa loại bỏ được biến thể Delta nguy hiểm xuất hiện trước nó.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã phát triển các mảng cảm biến có thể phân biệt các biến thể trong nước thải, qua đó xác định những nơi virus SARS-CoV-2 đang hoạt động. Theo dõi nước thải ở TP Beer-Sheva của Israel từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022 cho thấy “sự tương tác đáng lo ngại” giữa các biến thể Omicron và Delta. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng xây dựng mô hình dự báo Omicron đang tự tiêu diệt trong khi Delta chỉ đang “ẩn mình chờ thời”. Cho đến nay, bất cứ khi nào một biến thể mới và vượt trội xuất hiện, biến thể trước nó sẽ bị lấn át sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, với Delta và Omicron, kết quả kiểm tra nước thải cho thấy khi Omicron gia tăng, Delta vẫn hoạt động.

Theo mô hình do các nhà nghiên cứu BGU phát triển, Omicron có thể suy giảm cho đến khi triệt tiêu hoàn toàn, trong khi Delta vẫn tồn tại một cách khó hiểu. Điều này có thể dẫn đến bùng phát một đợt dịch mới do Delta gây ra hoặc phát sinh một thế hệ biến thể mới đáng lo ngại. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cần triển khai chiến dịch dịch tễ học dựa trên nước thải bởi đây là một công cụ tiện lợi có thể ngăn ngừa đại dịch.

Tin cùng chuyên mục