Nguy cơ đại dịch đói cận kề

Nạn đói trầm trọng cùng với tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng là những tác động gián tiếp mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới. 
Ảnh minh họa: REUTERS
Ảnh minh họa: REUTERS

Theo ước tính của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), trong năm 2021, thế giới có nguy cơ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi thành lập Liên hiệp quốc. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số người bị đói sẽ tăng từ 135 triệu lên 270 triệu.

Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng và nguy cơ xảy ra đại dịch đói đang cận kề nếu không có những biện pháp giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên diện rộng tại các điểm nóng về di cư và xung đột trên thế giới. 

Ngay tại các quốc gia phát triển, nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh phải sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Tại Pháp, tình trạng số người khó khăn sống nhờ thực phẩm của các hiệp hội cứu trợ đã lên mức báo động.

Viện Thống kê Pháp (INSEE) cho biết, hiện ở Pháp có khoảng 5 triệu người sống nhờ thực phẩm được cứu tế. Ở Mỹ, hàng triệu hộ gia đình nghèo đang cạn dần lương thực vì chỉ trông chờ vào những gói cứu trợ. Nước Mỹ đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất kể từ năm 1998 cho đến nay. 

Theo trang tin IPS, hiện các cơ quan viện trợ nhân đạo đang hoạt động quá tải bởi các nhu cầu viện trợ khác nhau và việc thiếu hỗ trợ tài chính sẽ khiến tình trạng này tồi tệ hơn. Thực tế diễn ra hiện nay cho thấy, các hoạt động cứu trợ không thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng lương thực diễn ra tại nhiều điểm nóng trên toàn cầu nếu không có những giải pháp mang tính dài hạn. 

Cơ hội để đảm bảo an ninh lương thực tuy rất khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh nhưng theo giới khoa học, vẫn có một số giải pháp như các chính phủ cần ưu tiên cho các chính sách và tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm để giảm mức độ tác động từ Covid-19, điều chỉnh thường xuyên chính sách phong tỏa nhằm giữ liên kết giao thông mở và việc vận chuyển thực phẩm hoạt động…

Bên cạnh đó là thiết lập sự hợp tác mang tính toàn cầu, giữa các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ, ngân hàng phát triển, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức nông dân trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.

Ngoài ra, cần kết hợp với giải pháp công nghệ như triển khai máy ATM thực phẩm, các ứng dụng tìm và phân phối lại thực phẩm nhằm tránh tình trạng bị lãng phí. Mô hình sản xuất nông trại nhỏ tại các hộ gia đình và các khu dân cư cần được khuyến khích và nhân rộng trong giai đoạn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục