Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới

Trong báo cáo mới công bố ngày 15-6, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, 9 cường quốc vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên cùng nhau sở hữu khoảng 13.400 vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2020.
Những tên lửa hạt nhân đáng gờm của Israel
Những tên lửa hạt nhân đáng gờm của Israel

Nga và Mỹ giảm, các nước tăng

Theo SIPRI, các cường quốc hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của họ mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân giảm. Con số 13.400 vũ khí hạt nhân của 9 nước nói trên đã giảm xuống 465 vũ khí so với năm 2019. Sự sụt giảm phần lớn do việc tháo dỡ vũ khí hạt nhân đã quá hạn sử dụng của Nga và Mỹ - 2 cường quốc cùng nhau sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Đầu đạn hạt nhân của Mỹ giảm 385 và Nga giảm 125. Theo báo cáo, những mức giảm lớn đó được bù đắp bằng sự gia tăng nhẹ trong lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, Anh, Ấn Độ và Triều Tiên. Việc cắt giảm lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga được Hiệp ước về các biện pháp giảm thiểu và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START mới - dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2-2021) yêu cầu và hoàn thành vào năm 2018. Năm 2019, các lực lượng hạt nhân của cả hai nước vẫn ở dưới giới hạn quy định của hiệp ước. Gia hạn hiệp ước START mới là chủ đề của các cuộc đàm phán vũ khí mà đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về kiểm soát vũ khí cho biết sẽ bắt đầu với Nga vào cuối tháng 6. Mỹ cũng đã mời Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán. Phía Nga chấp nhận đàm phán START mới nhưng không muốn sự tham gia của Trung Quốc.

Hiệp ước Liên Xô - Mỹ năm 1987 về việc loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF) đã bị hủy bỏ vào năm 2019 sau khi Mỹ chính thức rút khỏi vì cáo buộc Nga vi phạm. Nga phủ nhận các cáo buộc và cũng đình chỉ tham gia hiệp ước này. Theo ông Shannon Kile, Giám đốc Chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí của SIPRI, sự bế tắc về START mới và sự sụp đổ của INF cho thấy kỷ nguyên của các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương giữa Nga và Mỹ có thể sắp kết thúc.

Nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân

Theo ông Kile, việc mất các kênh liên lạc chính giữa Nga và Mỹ nhằm thúc đẩy tính minh bạch và ngăn ngừa những hiểu lầm về tư thế và khả năng của lực lượng hạt nhân tương ứng có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.

Trung Quốc cho biết họ không quan tâm đến việc tham gia các cuộc đàm phán về START mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 10-6 khẳng định, Bắc Kinh không thay đổi lập trường trước đó, tức sẽ không tham gia các cuộc đàm phán gia hạn STRAT mới dự kiến diễn ra vào ngày 22-6 tại Vienna.

Cũng trong báo cáo, SIPRI cho biết Trung Quốc đang ở giữa quá trình hiện đại hóa đáng kể kho vũ khí hạt nhân. “Lần đầu tiên, Trung Quốc đang phát triển một bộ ba hạt nhân, được tạo thành từ các tên lửa mới trên đất liền, trên biển và máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân”. Theo báo cáo của Viện quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) có trụ sở tại London, Trung Quốc hiện sở hữu kho tên lửa phóng từ mặt đất (những loại bị cấm theo INF) lớn nhất thế giới. Trong suốt hàng chục năm kể từ khi INF được ký kết, Trung Quốc đã gia tăng tầm bắn, động lực và độ sát thương của chương trình tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của nước này. Trung Quốc có thể thoải mái tiến hành các dự án tên lửa này vì họ chưa bao giờ là một phần trong Hiệp ước INF. 

Báo cáo của SIPRI cũng chỉ ra Ấn Độ và Pakistan đang dần tăng quy mô và sự đa dạng của lực lượng hạt nhân của họ, trong khi Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự là một yếu tố trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia. SIPRI lưu ý rằng Triều Tiên không cung cấp thông tin về khả năng vũ khí hạt nhân trong khi Israel có chính sách lâu dài là không bình luận về kho vũ khí hạt nhân của họ.

Tin cùng chuyên mục