Nguy cơ chạy đua vũ khí hạng nặng mới

Việc Mỹ, Triều Tiên và Nga gần đây liên tiếp thử các loại tên lửa siêu thanh khiến giới quan sát lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ khí hạng nặng mới.

 Khác biệt lớn

Chuyên gia về an ninh và vũ khí của Thụy Sĩ, ông Alexandre Vautravers, cho biết, Nga đã có bước tiến lớn trong các loại vũ khí siêu thanh với nhiều loại tên lửa không chỉ có khả năng bay với tốc độ cao hơn 6.000km/giờ (Mach 5) mà còn được điều khiển từ xa. Đó là tên lửa Zircon mà Moscow thông báo đã thử nghiệm thành công hôm 4-10 vừa qua từ một tàu ngầm. Ngoài ra, Nga còn phát triển loại tên lửa Kinjal (đã được trang bị cho không quân) hay loại tàu lượn siêu thanh Avangard có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, bay với tốc độ 33.000 km/giờ, có khả năng thay đổi bất ngờ hướng bay hay độ cao.

Nga bắn thử tên lửa Zircon từ tàu chiến vào tháng 7-2021
Các tên lửa siêu thanh không hẳn đã bay nhanh hơn tên lửa đạn đạo. Sự khác biệt lớn nhất là tên lửa siêu thanh điều khiển được giữa hành trình bay. Điều này khiến cho khó dự báo được đường bay và khó đánh chặn được tên lửa siêu thanh. Các hệ thống phòng thủ tên lửa kiểu THAAD (hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) của Mỹ có thể đánh chặn được các đầu đạn ở tốc độ cao nhưng lại được thiết kế chỉ để bảo vệ một vùng hạn chế. Trong trường hợp là một tàu lượn siêu thanh, hệ thống phát hiện chống tên lửa dựa trên tính toán đo đạc nguồn nhiệt nên khó phát hiện sớm tên lửa sau khi được phóng đi. 

“Việc Nga chứng tỏ làm chủ hoàn toàn công nghệ siêu thanh có thể sẽ làm thay đổi ván bài. Các nỗ lực của Mỹ hiện tại để triển khai hệ thống lá chắn tên lửa vẫn không giúp Washington có được một hệ thống phòng không đủ khả năng đánh chặn được tất cả các loại tên lửa hiện có. Hệ thống như vậy càng kém hiệu quả trước các tên lửa siêu thanh”, chuyên gia Alexandre Vautravers nhận định.

Các cường quốc vào cuộc

Đầu tư vào tên lửa siêu thanh, Nga đang chạy đua với các cường quốc khác trên thế giới. Châu Âu và Mỹ vẫn không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa các loại vũ khí chiến lược những năm qua vì một phần trang thiết bị quân sự của họ có công nghệ lạc hậu, từ những năm 1990. Mỹ chưa có được các tên lửa siêu thanh trong kho vũ khí của mình nhưng đang nghiên cứu. DARPA, cơ quan nghiên cứu khoa học của quân đội Mỹ, cuối tháng 9 vừa qua thông báo đã thử thành công tên lửa siêu thanh HAWC sử dụng nhiện liệu oxy lấy từ bầu khí quyển. Lầu Năm Góc cũng đang phát triển một loại tàu lượn siêu thanh ARRW. Tập đoàn vũ khí Mỹ Lockhheed Martin vừa qua đã thông báo mở một nhà máy chế tạo tên lửa siêu thanh.

Trung Quốc có nhiều dự án và dường như Bắc Kinh trực tiếp học hỏi theo các chương trình của Nga. Nước này đang nghiên cứu thử nghiệm một loại tàu lượn siêu thanh với tầm hoạt động 2.000km, bay với tốc độ trên Mach 5, thực hiện được những thao tác cực khó. Pháp, Đức, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang nghiên cứu phát triển các hệ thống siêu thanh. Iran, Israel và Hàn Quốc cũng đã bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ này. Cuối tháng 9 vừa qua, Triều Tiên loan tin đã thử thành công tiên lửa siêu thanh. 

Các loại tên lửa do Trung Quốc và Nga phát triển có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong khi đó Mỹ bảo đảm chương trình siêu thanh của nước này chủ yếu dành cho các loại tên lửa quy ước. Theo một cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, sẽ có nguy cơ về khả năng phản ứng thái quá của quân đội Mỹ khi phát hiện ra tên lửa siêu thanh. Họ không kịp nhận biết tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay tên lửa thông thường và rất có thể quân đội Mỹ không đợi phân biệt được mà đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Theo ông Cameron Tracy, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, Mỹ có thể phải lựa chọn: Tiếp tục tập trung hiện đại hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa hoặc đặt ưu tiên phát triển các loại tên lửa siêu thanh. Sự lựa chọn này nhiều khả năng sẽ làm khởi phát một cuộc chạy đua vũ khí. Vì vậy, ông Cameron cho rằng nên gộp các loại vũ khí siêu thanh vào trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hiện nay giữa Washington với Moscow và với cả Bắc Kinh.

Tin cùng chuyên mục