Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do ngập

Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với tiên đoán trước đây, với những tác động tiêu cực lên TPHCM. Dù vậy, vẫn còn thời gian để xây dựng những giải pháp phù hợp và thích nghi. Việc lập kế hoạch thích nghi chi tiết là chìa khóa cho một TPHCM có khả năng chống chọi cao.

Tất cả các ngành và các địa bàn sẽ phải xem xét tác động của biến đổi khí hậu trong các kế hoạch của mình. 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng châu Á (ADB), ngành cấp nước ở TPHCM có thể dễ bị rủi ro, ảnh hưởng bởi ngập thường xuyên hoặc ngập cực đoan. Theo đó, các nhà máy xử lý nước và nơi lấy nước ở phía Bắc thành phố dọc sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập cực đoan, dù có kiểm soát hay không kiểm soát ngập.

Điều này có thể gián đoạn đến việc cấp nước sạch tạm thời trong thời gian ngập và làm hư hỏng các phương tiện cấp nước. Mạng lưới cấp thoát nước của thành phố cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cả ngập thường xuyên và ngập cực đoan.

Huyện Cần Giờ có thể bị ngập sâu 2 - 3 mét, thậm chí khi có quy hoạch mở rộng một đường ống cấp nước đến bờ biển phía Nam của huyện này, thì việc tiếp cận nguồn cung cấp nước cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các nhà máy xử lý nước thải, các hệ thống thoát nước cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập, dẫn đến việc chảy tràn nước ô nhiễm ra hệ thống thoát nước hở, cũng như thiệt hại bởi sự xâm nhập nước mặt.

Tác động của biến đổi khí hậu có thể làm suy thoái chất lượng nước ngầm và nước mặt, do sự tăng độ mặn và sự phát tán chất lơ lửng bị ô nhiễm nặng trong thời gian bị ngập. Các dòng kênh bị ô nhiễm nặng đang chứa các độc chất tích lũy hàng thập kỷ sẽ là một vấn đề đặc biệt.

Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do ngập ảnh 1 Hệ thống nước sông Sài Gòn - Đồng Nai dễ bị ô nhiễm do ngập thường xuyên

Những thách thức này có thể được giảm thiểu, nếu các cải thiện cục bộ về chất lượng nước được tiến hành và các điểm ô nhiễm cũng như các chất lơ lửng ô nhiễm được làm sạch trước năm 2050.

Đồng thời, các kế hoạch sử dụng đất trong tương lai, đặc biệt là các vùng có tác động cao, nên được yêu cầu phải trình bày các nguồn cấp nước sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và làm sao để vẫn có thể tiếp cận được đối với các trường hợp ngập cực đoan dự báo cho năm 2050.

Mặt khác, tiêu chuẩn thiết kế các cấu trúc hạ tầng xử lý nước thải và cấp nước có thể cần phải được điều chỉnh, nhằm đảm bảo rằng các cấu trúc này được thiết kế để có thể vận hành trong các mức ngập đã được dự báo.

Các chiến lược và quản lý tài nguyên nước tổng hợp trên bình diện toàn lưu vực được xem là một nền tảng quan trọng cho sự thích nghi, vì biến đổi khí hậu và sự phát triển liên tục trong lưu vực sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống thủy văn. 

Liên quan đến lĩnh vực này, đại diện Sở TN-MT TPHCM cho hay, thời gian qua, thành phố đã và đang nỗ lực đẩy mạnh cải tạo tình trạng ô nhiễm nguồn nước, kênh rạch, với mục tiêu: 100% nguồn nước thải sẽ được thu gom và xử lý đúng quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại.

Đồng thời, thành phố cũng đã ký kết hợp tác phối hợp với các tỉnh lân cận, nâng cao trách nhiệm của từng địa phương trong việc bảo vệ hệ thống nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Tin cùng chuyên mục